Sau hai năm đầy rẫy khó khăn do đại dịch COVID-19, thế giới lại phải đương đầu với nguy cơ mất an ninh lương thực mà nguyên nhân chủ yếu do thiên tai và xung đột vũ trang. Nếu không ngăn chặn kịp thời, mất an ninh lương thực không chỉ đe dọa việc thực hiện mục tiêu toàn cầu về chấm dứt nạn đói vào năm 2030 theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (LHQ), mà còn để lại nhiều hệ lụy như bất ổn xã hội lan rộng, thổi bùng làn sóng di cư…

Sản lượng giảm bởi thời tiết cực đoan

Các nạn nhân lũ lụt ở Pakistan tranh giành lương thực viện trợ. Ảnh: DW

Các nạn nhân lũ lụt ở Pakistan tranh giành lương thực viện trợ. Ảnh: DW

Hè 2022, châu Âu hứng chịu trận hạn hán khủng khiếp nhất trong 500 năm qua khi 2/3 lục địa bị đặt trong tình trạng báo động hoặc cảnh báo.

Trong khi đó, nạn thiếu mưa tại các vùng canh tác của Ấn Độ khiến diện tích trồng trọt giảm mạnh. Trong vụ hè thu 2022, tổng diện tích canh tác nông nghiệp tại quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã giảm 13% do hạn hán.

Nhưng đâu chỉ Ấn Độ, các nước láng giềng cũng điêu đứng vì những dạng thời tiết khó đoán định. Phân nửa diện tích lãnh thổ Trung Quốc đã oằn mình trong đợt khô hạn kỷ lục kéo dài từ đầu tháng 7-2022. Nắng nóng cộng với hạn hán đe dọa nghiêm trọng vụ thu tại miền Nam mà theo các chuyên gia là chiếm tới 75% sản lượng lương thực hàng năm ở đất nước sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới.

Trái ngược với Trung Quốc, mưa lớn chưa từng thấy trong năm 2022 đã nhấn chìm hơn 1/3 diện tích Pakistan. Không chỉ làm chết hơn 1.700 người, lũ lụt còn cuốn trôi trên 4 triệu héc-ta hoa màu, phá hủy cây trồng và cản trở nông dân gieo cấy vụ mới. Khoảng 80% vụ mùa cà chua tại Pakistan đã bị hư hại do lũ lụt. Giá hành và cà chua, hai nguyên liệu phổ biến trong bữa ăn của người dân quốc gia Nam Á này, đã tăng tới 40%. Pakistan vốn là nước xuất khẩu gạo lớn thứ tư thế giới. Nhưng nhiều khu vực trồng lúa ở tỉnh Sindh, nơi đóng góp 42% sản lượng gạo cho đất nước, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận mưa lũ kinh hoàng với thiệt hại tới 1,9 triệu tấn gạo.

Có thể nói thế giới đã bước vào “trạng thái bình thường mới”, khi hạn hán, bão lũ và lốc xoáy liên tục tàn phá hoạt động nông nghiệp. LHQ từng cảnh báo có tới 30% diện tích đất nông nghiệp hiện nay sẽ không phù hợp để canh tác vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu.

“Cú đấm bồi” từ cuộc chiến Ukraine

Hệ thống lương thực toàn cầu vốn đã dễ bị tổn thương thì năm 2022 lại tiếp tục gánh hệ lụy từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Kể từ năm 2019, số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn cầu đã tăng từ 135 triệu lên 345 triệu người, do ảnh hưởng của đại dịch, xung đột và biến đổi khí hậu. Thế rồi chiến sự nổ ra hồi tháng 2-2022 đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu nông sản từ Nga và Ukraine, hai nước chiếm 24% lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu, 57% dầu hạt hướng dương và 14% bắp giai đoạn 2016-2020. 

Khan hiếm nguồn cung lập tức đẩy giá lương thực lên cao. Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm bóp nghẹt khả năng xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã khiến giá năng lượng toàn cầu nhảy vọt, trong đó giá dầu tăng 40% nên cũng kéo theo giá phân bón. Thiếu hụt phân bón đến từ Nga, một trong những nhà cung cấp quan trọng nhất, càng khiến các nước phụ thuộc vào nhập khẩu phải gánh chi phí cao hơn và năng suất cây trồng thấp hơn.

Lãi suất toàn cầu tăng nhanh như một đòn mạnh giáng vào hệ thống an ninh lương thực vốn đã yếu ớt. Lãi suất tăng cao đồng nghĩa các nước nợ nhiều nhất không thể tiếp cận các thị trường vốn quốc tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính giá nhập khẩu lương thực và phân bón tăng cao sẽ khiến các nước phải chi thêm 9 tỉ USD trong năm 2022 và 2023, làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối cũng như ảnh hưởng khả năng thanh toán chi phí nhập khẩu lương thực của nhiều quốc gia.

Mầm mống của đói kém, bất ổn xã hội…

Các chuyên gia cảnh báo nếu không hành động cấp bách, khủng hoảng an ninh lương thực sẽ để lại hậu quả to lớn trên toàn cầu. Đó là nạn đói, suy dinh dưỡng ở trẻ em gia tăng và những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân. Đứt đoạn hệ thống lương thực còn dẫn tới làn sóng di cư ồ ạt. Tình trạng bạo loạn dân sự có nguy cơ lan rộng, châm ngòi bất ổn và thậm chí chiến tranh tại một số vùng nghèo nhất thế giới.

Như tại Peru chẳng hạn, các cuộc biểu tình phản đối giá lương thực tăng đã biến thành bạo loạn chết người hồi tháng 4-2022. Chính phủ Sri Lanka thì sụp đổ trong bối cảnh người dân xuống đường phản đối tình trạng khan hiếm lương thực, nhiên liệu.

Hơn 10 năm trước, vùng Biển Đen từng chịu hạn hán nghiêm trọng khiến giá lương thực tăng cao, đặc biệt là lúa mì. Giới phân tích xác định đây là thủ phạm khơi mào phong trào biểu tình “Mùa Xuân Arab” năm 2011. Nhưng tình hình hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với thời kỳ “Mùa Xuân Arab” và cuộc khủng hoảng giá lương thực 2007-2008. Những gì xảy ra ở Peru và Sri Lanka chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Nông dân Ý đánh giá thiệt hại ở cánh đồng bắp trong trận hạn hán nghiêm trọng hồi hè 2022. Ảnh: AFPNông dân Ý đánh giá thiệt hại ở cánh đồng bắp trong trận hạn hán nghiêm trọng hồi hè 2022. Ảnh: AFP
BẢO ĐẢM AN NINH LƯƠNG THỰC
Đây là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong Tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 77 diễn ra tại Mỹ hồi tháng 9-2022. Bảo đảm an ninh lương thực chính là nền tảng giúp giảm đói nghèo, nâng cao đời sống người dân, hướng tới tương lai bền vững và bao trùm. Do vậy, các biện pháp đối phó nguy cơ mất an ninh lương thực là hết sức cấp thiết, không để nhóm người dễ bị tổn thương rơi vào cảnh đứt bữa.Những thách thức toàn cầu luôn cần giải pháp ở quy mô toàn cầu. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã hành động quyết liệt. Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hỗ trợ thêm 2,9 tỉ USD, bổ sung cho gói 6,9 tỉ USD mà Washington cam kết trong năm 2022 để tiếp sức cho an ninh lương thực toàn cầu. Ngân hàng Thế giới cũng đã thực hiện chương trình trị giá 30 tỉ USD nhằm ứng phó khủng hoảng an ninh lương thực, trong khi IMF đề xuất biện pháp giảm cú sốc lương thực trong các công cụ cho vay khẩn cấp. Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) thì đưa ra một loạt khuyến nghị chính sách và bản đồ dinh dưỡng đất đai chi tiết ở cấp quốc gia để tăng hiệu quả sử dụng phân bón trong hoạt động sản xuất lương thực.Hy vọng cũng lóe lên hồi cuối tháng 7-2022 khi Nga và Ukraine ký một thỏa thuận do LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian về việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Kiev ở Biển Đen. Nhờ thỏa thuận nhân đạo này, giá các lương thực chính đã giảm 15% so với đỉnh điểm hồi tháng 3-2022, gián tiếp cứu 100 triệu người thoát cảnh cực nghèo.Tuy nhiên, về lâu dài, yếu tố mấu chốt để bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu chính là những biện pháp toàn diện và bền vững trong ứng phó với biến đổi khí hậu, ngăn ngừa và thúc đẩy giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình.

Theo baocantho.com.vn