Trước những khó khăn của người dân ở \”thủ phủ cam sành\” miền Tây khi phải chịu cảnh được mùa mất giá, nhiều bạn trẻ đã tổ chức chương trình hỗ trợ tiêu thụ giúp nông dân.

Những ngày qua, giá cam sành tại tỉnh Vĩnh Long liên tục giảm mạnh, chỉ còn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Tại nhiều nhà vườn, cam chín rụng nhưng vẫn không có thương lái mua, hoặc mua với giá \”rẻ bèo\” khiến nông dân như ngồi trên đống lửa. Chứng kiến thực tế này, nhiều chiến dịch \”giải cứu\” của người trẻ đã được thực hiện.

Đến tận vườn để phân loại cam

Nắm được tình hình khó khăn của bà con nông dân, anh Tiêu Minh Sơn, giảng viên Trường ĐH Văn Lang TP.HCM, cùng với 3 sinh viên đã đứng ra tổ chức hoạt động mua cam sành và kêu gọi mọi người cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ.

Anh Sơn chia sẻ: \”Là người con của Vĩnh Long, mình mong muốn được giúp sức một phần nào đó cho quê hương của mình. Ngày trước, khi còn là sinh viên, mình đã từng rong ruổi khắp Vĩnh Long để làm công tác thiện nguyện và bây giờ, mình cần làm nhiều hơn nữa để cùng chung tay, góp sức hỗ trợ tiêu thụ cam sành\”.

\"Người
\"\"
Nhóm thiện nguyện “Hiểu về mảnh đời” hỗ trợ “giải cứu” cam sành giúp người dân miền Tây

Phúc Kha

Trong quá trình thực hiện, anh Sơn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các đơn vị tại Vĩnh Long, bà con nông dân thì luôn sẵn lòng để chia sẻ cùng anh. Đến những chuyến xe vận chuyển lên TP.HCM, mọi người cùng nhau thực hiện để có thể đi nhanh nhất và những quả cam được đến tay mọi người một cách tốt nhất.

Đồng hành với anh Minh Sơn trong công việc giải cứu cam sành, Trần Huyền Phương Trang, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, kể: \”Cam sẽ được xe tải chở từ Vĩnh Long lên TP.HCM, rồi tập kết ở nhà của thầy Minh Sơn. Sau đó, mỗi ngày sẽ nhờ một bạn vận chuyển những đơn hàng lớn, còn những đơn hàng nhỏ sẽ nhờ xe ôm công nghệ vận chuyển, bên người mua hỗ trợ chi phí giao hàng, đơn hàng sỉ thì mình và người mua sẽ chia sẻ tiền giao hàng\”.

Nhằm chia sẻ với nhà vườn trồng cam sành ở H.Trà Ôn, H.Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long), từ đầu tháng 2.2023, Đoàn thanh niên Công an tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện chương trình hỗ trợ tiêu thụ cam sành, với giá 6.000 đồng/kg, giá này cao hơn giá thương lái mua tại vườn cho nông dân khoảng 2.000 đồng.

Theo đại diện của đơn vị tổ chức chương trình, đoàn viên, thanh niên tình nguyện sẽ phối hợp cùng với người dân địa phương xuống tận vườn của nông dân để hái cam rồi phân loại và chia ra mỗi túi 10 kg, đồng thời rao bán trên mạng xã hội và vận động mọi người trên địa bàn TP.Vĩnh Long hỗ trợ tiêu thụ. Chương trình đến nay đã hỗ trợ tiêu thụ 50 tấn cam sành cho người dân.

\"Người
Đoàn thanh niên Công an tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ tiêu thụ 50 tấn cam sành cho người dân

Hy vọng sẽ có nhiều người cùng chung tay

Nhận thấy giá cam sành ở miền Tây giảm mạnh, nhiều người trồng cam rầu rĩ, rơi nước mắt vì không tiêu thụ được, anh Hoàng Văn Quý (30 tuổi), trưởng nhóm thiện nguyện \”Hiểu về mảnh đời\”, đã tổ chức chương trình \”Giải cứu cam sành\”. Anh Quý cho biết: \”Công việc này không phải riêng của cá nhân ai. Ở đâu khó khăn thì mình giúp đỡ, mình giúp được thì cứ giúp thôi\”.

Ngày 15.2, anh Phương Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh – sinh viên TP.Cần Thơ, cho biết trung tâm đang phối hợp Nhà văn hóa lao động TP.Cần Thơ tổ chức hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp nông dân trồng cam sành tại tỉnh Vĩnh Long.

Theo anh Đạt, hoạt động được thực hiện trong bối cảnh cam sành tại tỉnh Vĩnh Long đang rớt giá sâu. Cùng với doanh nghiệp, tuổi trẻ thành phố muốn góp sức chia sẻ khó khăn với nông dân, giúp họ giảm thiểu thiệt hại, lấy lại nguồn vốn đầu tư.

\”Hiện giá cam sành bán tại vườn chỉ khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg.

Một phần không có người mua, rụng đầy vườn rất xót xa. Với mong muốn chia sẻ cùng nông dân, chúng tôi quyết định thu mua cam với giá 4.000 – 4.500 đồng/kg. Chúng tôi sẽ thuê xe đến tận vườn để chở cam về\”, anh Đạt nói.

Trung tâm hỗ trợ học sinh – sinh viên TP.Cần Thơ đóng vai trò đầu mối điều phối, vận chuyển nguồn hàng từ Vĩnh Long về các điểm tiêu thụ tại TP.Cần Thơ. Tham gia hỗ trợ còn có nhiều sinh viên Trường ĐH Y dược Cần Thơ, đây là lực lượng chính thực hiện hoạt động phân phối, mua bán và vận chuyển nông sản đi tiêu thụ.

Lúc 0 giờ 30 ngày 18.2, khoảng 2 tấn cam sành cập bến tại hẻm 159, đường Bạch Đằng, Q.Tân Bình, TP.HCM. Các bạn trẻ nhóm thiện nguyện \”Hiểu về mảnh đời\” nhanh chóng khuân vác, chuyển cam từ xe ba gác xuống điểm tập kết. Nhóm bạn trẻ cùng nhau liên hệ, thu mua cam sành từ các nhà vườn và kêu gọi \”giải cứu cam sành\” trên mạng xã hội.

Cam sành được nhóm \”giải cứu\” với giá 10.000 đồng/kg. Sau gần 1 tuần thực hiện chương trình, nhóm đã tiêu thụ được hơn 5 tấn cam. Sau khi soạn đơn trong đêm, các bạn sẽ ghi tên người đặt hàng ở bên ngoài và đơn sẽ được chính các bạn giao khi kết thúc giờ làm việc mỗi ngày.

Theo anh Minh Sơn, quá trình thực hiện chương trình điều khó khăn nhất là về mặt thời gian, phải làm sao cho nhanh nhất để giao đến mọi người, vì số lượng lớn, để lâu cam sẽ không đảm bảo chất lượng. Thứ hai là về mặt nhân lực, nhóm chỉ có bốn người nên cũng gặp rất nhiều khó khăn từ nhiều khâu.

\”Người mua và người bán đều rất vui, dường như chúng tôi không có sự mặc cả nào, mà đầm ấm sự yêu thương. Hơn hết, là tinh thần của những người thực hiện, trong đó có sinh viên của mình, các bạn rất nhiệt tình, chịu thương, chịu khó để những túi cam được giao đến tay tất cả mọi người\”, anh Minh Sơn bày tỏ.

Đến thời điểm hiện tại, anh Minh Sơn và ba bạn sinh viên trong nhóm đã hỗ trợ gần 1,5 tấn cam cho bà con nông dân. Anh Minh Sơn mong muốn sẽ thực hiện thêm nhiều đợt cam nữa để giúp được nhiều bà con hơn, giảm bớt những gánh nặng, những lo lắng \”được mùa mất giá\” đang đeo bám trên từng gương mặt của bà con.

\”Mình với thầy Sơn chỉ góp một phần nhỏ trong công việc giải cứu cam để bà con yên tâm hơn. Mình đã đi về Vĩnh Long rồi nên mình thấy hình ảnh cam phải bán với giá rất rẻ, bà con cũng rất vất vả trong việc cắt, đóng gói. Hy vọng sẽ có người đến mua để nông dân bán nhiều cam hơn, cam thu hoạch đúng thời điểm, không còn chịu cảnh được mùa mất giá như thế này nữa\”, Phương Trang tâm sự.

Cũng mong muốn mọi người cùng nhau giúp đỡ người trồng cam sành tại Vĩnh Long, đại điện Đoàn thanh niên Công an tỉnh Vĩnh Long, gửi gắm: \”Hiện tại, lượng cam sành chín còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh với số lượng rất lớn. Vì vậy, mình mong sẽ có nhiều người chung tay hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản giúp nông dân\”.

Theo thanhnien.vn