Các nhóm nghiên cứu nhận định thế giới cần hành động nhanh hơn, kiên quyết hơn để hạn chế những hệ lụy môi trường từ việc sử dụng sản phẩm nhựa.

Nhiều siêu thị ở Singapore sẽ thu phí đối với túi đựng hàng dùng một lần bao gồm cả chất liệu nhựa lẫn giấy - ẢNH MINH HỌA
Nhiều siêu thị ở Singapore sẽ thu phí đối với túi đựng hàng dùng một lần bao gồm cả chất liệu nhựa lẫn giấy – Ảnh minh họa

Theo Back to Blue – nhóm nghiên cứu do Tổ chức tư vấn Economist Impact và Quỹ Nippon điều hành – việc sử dụng nhựa ở các quốc gia G-20 gồm 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng gần gấp đôi vào giữa thế kỷ này. Nhóm nghiên cứu đề xuất phải có một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý để hạn chế tiêu thụ nhựa, song song đó là kế hoạch mang tính toàn cầu và quy mô toàn diện hơn những nỗ lực lẻ tẻ của các tổ chức thiện nguyện hiện nay.

Trước đó, vào tháng 11/2022, tại Uruguay, Liên hiệp quốc đã khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa. Mục đích của đàm phán hướng đến một hiệp ước ràng buộc pháp lý vào cuối năm 2024. Sự kiện đã thu hút 175 quốc gia tham gia. Back to Blue cho biết, sản lượng nhựa hằng năm ở các nước G-20, tính theo tốc độ gia tăng hiện tại, có thể lên đến 451 triệu tấn vào năm 2050, tức tăng gần 3/4 so với năm 2019.

Back to Blue cũng kêu gọi một lệnh hạn chế mạnh hơn đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần, đánh thuế cao hơn cũng như các kế hoạch buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời sản phẩm, trong đó bao gồm cả việc tái chế và thải ra  môi trường.

Back to Blue cho biết thêm, hiện các biện pháp phối hợp có thể khống chế sức tiêu thụ sản phẩm hằng năm ở mức 325 triệu tấn vào năm 2050. Tuy nhiên con số đó vẫn gấp 1/4 so với năm 2019, tương đương với 238 triệu xe tải chất đầy rác thải nhựa.

Quy định mới sẽ có hiệu lực tại Singapore từ giữa năm 2023 buộc người mua hàng tại hầu hết các cửa hàng, siêu thị sẽ phải trả ít nhất 5 xu cho mỗi túi đựng dùng một lần. Cụ thể, 2/3 các cửa hàng ở đảo quốc này sẽ thu phí đối với tất cả sản phẩm túi dùng một lần có nguồn gốc từ vật liệu nhựa và giấy.

Biện pháp này nằm trong các sửa đổi được đề xuất đối với Đạo luật Bền vững tài nguyên được trình Quốc hội vào ngày 6/2. Mục đích chính là để giảm lãng phí bao bì và thực phẩm ở Singapore, nơi chỉ có 6% tổng số rác thải nhựa được tái chế vào năm 2021. Các siêu thị có doanh thu hằng năm hơn 100 triệu USD và nguồn lực tốt sẽ phải thu khoản phí này theo quy định.

Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA) cùng Bộ Môi trường và bền vững (MSE) Singapore đã ra một tuyên bố chung rằng các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ hơn được khuyến khích tự nguyện thu phí túi dùng một lần.

Nhiều đơn vị như cửa hàng The Body Shop, Cheers, FairPrice Xpress đã bắt đầu tính phí 10 xu cho mỗi túi nhựa dùng một lần từ năm 2022. Theo NEA và MSE, mức phí tối thiểu 5 xu đã được Chính phủ tính toán ở mức thấp để giảm bớt gánh nặng chi phí đối với người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích họ cân nhắc việc sử dụng số lượng túi dùng một lần trong khi mua sắm.

Ngoài ra, để tăng tốc độ tái chế chai và lon đựng đồ uống vào giữa năm 2024, người mua phải trả thêm 10-20 xu trên mỗi sản phẩm. Khoản tiền này sẽ được hoàn lại khi họ trả lại chai và lon sau khi sử dụng. Các điểm trả vỏ đồ uống sẽ được đặt tại tất cả các siêu thị có diện tích lớn hơn 200m2. Lon và chai đã qua sử dụng cũng có thể được trả thông qua các máy bán hàng tự động thông minh.

Bên cạnh đó, các cơ sở công nghiệp và thương mại (chiếm khoảng 40% lượng rác thải thực phẩm hằng năm) phải phân loại rác thải thực phẩm bắt đầu từ năm 2024. Năm 2021, Singapore đã thải ra 817.000 tấn chất thải thực phẩm, trong đó chỉ có 19% được tái chế. 

Theo Nam Anh (Nguồn Reuters, The Straits Times)