Khởi đầu là dự án thiện nguyện chuyên phân phát, hỗ trợ thực phẩm miễn phí cho người yếu thế trong cộng đồng vào năm 2016, chỉ hai năm sau, Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam (Food Bank Việt Nam, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã trở thành một trong hơn 50 thành viên của mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm toàn cầu.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, hơn một phần ba thực phẩm trên thế giới bị hư hỏng hoặc bỏ đi trong quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, gây thiệt hại hơn 940 tỷ USD/năm. Còn theo một khảo sát được thực hiện trên quy mô 4.000 hộ gia đình tại tám quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đang đứng thứ nhì về chỉ số lãng phí thực phẩm. Có một nghịch cảnh là trong khi thực phẩm chưa được sử dụng đúng cách tại nhiều nơi thì hiện có xấp xỉ một tỷ người phải chịu đói trên toàn thế giới.
Năm 1967, Mỹ xây dựng ngân hàng thực phẩm đầu tiên để hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm trong cộng đồng và mô hình hoạt động rất hiệu quả. Về sau, mô hình này được nhân rộng ra nhiều quốc gia như Australia, Ðức, Anh, Pháp, Singapore… Năm 2016, ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Công ty cổ phần doanh nghiệp xã hội Food Share chính thức đưa mô hình này về Việt Nam với mong muốn tạo cầu nối để thực phẩm có nguy cơ lãng phí được gửi đến tay người cần.
Ban đầu, tổ chức phi lợi nhuận này hoạt động chủ yếu trên cơ sở kêu gọi nguồn thực phẩm trong cộng đồng rồi trao tặng cho người khó khăn, yếu thế thông qua hình thức túi quà, các suất ăn miễn phí, siêu thị 0 đồng… Ðến thời điểm hiện tại, Food Bank Việt Nam đang hỗ trợ thực phẩm thường xuyên cho gần 620 mái ấm, nhà mở, viện dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác.
Giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành là thời điểm Food Bank Việt Nam thể hiện tốt nhất vai trò điều phối thực phẩm, hỗ trợ bữa ăn cho cộng đồng. Khi người dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình duy trì đời sống cơ bản hằng ngày do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài, các dự án 0 đồng của Food Bank Việt Nam đã kịp thời tiếp sức.
Trong giai đoạn cam go ấy, Food Bank Việt Nam lan tỏa đội hình khắp các quận, huyện, triển khai hàng loạt dự án thiết thực như: Nhà hàng dã chiến, Tủ lạnh 0 đồng, Bếp yêu thương, Xe di động phát cơm miễn phí… trao tặng hàng triệu suất ăn, hàng triệu tấn thực phẩm từ các nhà hảo tâm đến người dân, đặc biệt là các trường hợp khó khăn, thất nghiệp. Lúc bấy giờ, ngoài đội ngũ nhân sự cơ hữu, Food Bank Việt Nam nhận được sự chung tay của hàng trăm tình nguyện viên thuộc nhiều lĩnh vực. Nhân sự cho mỗi dự án được tinh gọn tối đa nhưng vẫn phải đáp ứng mục tiêu hỗ trợ tốt nhất về thực phẩm cho cộng đồng, nhất là trong tình trạng khẩn cấp.
“Giờ nghĩ lại chúng tôi vẫn rất xúc động khi thời điểm ấy, nhiều nơi chủ động liên hệ để được tặng thực phẩm cho người yếu thế. Trong thời điểm khó khăn nhất, mọi người thể hiện rõ tinh thần sẻ chia, đoàn kết. Chúng tôi túc trực tại trụ sở suốt nhiều tháng liền, liên tục triển khai các dự án mới tùy theo tình hình thực tế, miễn sao người dân được hỗ trợ kịp thời”, ông Khởi nhớ lại.
Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến quá trình thu hoạch, tiêu thụ nông sản tại nhiều tỉnh, thành phố. Ðầu tư vào mùa vụ, sát ngày thu hoạch thì đứng trước nguy cơ “mất trắng”, trong khi người dân các nơi đang thiếu thực phẩm, nhiều nông dân cầu cứu Food Bank Việt Nam. Ngay lập tức, dự án “Từ nông trại đến Ngân hàng Thực phẩm-Farm to Food Bank” ra đời nhằm giúp bà con nông dân các tỉnh, thành phố khu vực phía nam thu hồi vốn trồng nông sản.
Ðây cũng là kênh kết nối giúp người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố lân cận được mua nông sản chất lượng với giá gốc trong thời điểm dịch. Bà Nguyễn Hoàng Trúc Linh, Giám đốc điều hành Food Bank Việt Nam cho biết: Việc đưa nông sản từ các tỉnh, thành phố về Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn đó, không hề dễ dàng, cần sự chung tay của nhiều nhà hảo tâm, đơn vị kết nối.
Một siêu thị cộng đồng nhanh chóng được thành lập để tập trung thực phẩm, nông sản từ các nguồn rồi phân chia, bán giá rẻ cho người dân; sau đó, trao tặng đến các điểm trong danh sách đồng hành; khi ấy, không chỉ hỗ trợ chi phí vận hành, nguồn thực phẩm, nhiều đơn vị còn cử cả nhân viên đến siêu thị của Food Bank Việt Nam phụ việc, miễn sao đưa thực phẩm đến với càng nhiều người càng tốt.
Khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhịp sống dần trở lại, thế nhưng, do nền kinh tế chịu tổn thất nặng nề suốt thời gian dài, không ít người dân vẫn chật vật kiếm kế sinh nhai. Ðầu năm 2022, Food Bank Việt Nam thành lập kho thực phẩm cộng đồng đầu tiên trên cả nước, đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ðối tượng phục vụ chính của kho thực phẩm đặc biệt này là người khó khăn, người vô gia cư, người già neo đơn, trại trẻ mồ côi, các mái ấm, nhà mở, trẻ em khuyết tật, khu trọ nghèo, công nhân thất nghiệp, người dân vùng sâu, vùng xa…
Nhận thấy nhu cầu thực phẩm sau dịch của người dân tại các tỉnh, thành phố đều tăng, Food Bank Việt Nam mở rộng mạng lưới. Hiện tại, tổ chức này đã có chín kho thực phẩm cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Hà Nội, Kiên Giang, Ðà Nẵng… và trao quyền vận hành cho địa phương để có sự sàng lọc, kết nối và giúp đỡ kịp thời các trường hợp khó khăn thật sự.
Trong năm 2024, số kho lương thực cộng đồng sẽ tăng mạnh, kèm theo đó là các chương trình tập huấn, khuyến khích nâng cao ý thức người dân trong việc hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm, hướng tới xã hội phát triển bền vững, “xanh hóa”. Không quá tập trung vào nhiệm vụ “cứu đói” như thời điểm dịch Covid-19, giờ đây, yếu tố bảo vệ môi trường, tạo sự cân bằng trong chuỗi vận hành thực phẩm là điều mà tổ chức này quan tâm nhiều nhất.
Theo đó, nguồn thực phẩm sau khi đưa về các kho sẽ được phân chia phục vụ hai nhóm cụ thể: Thực phẩm sẻ chia và thực phẩm phát triển. Nếu nguồn thực phẩm sẻ chia được cung cấp thường xuyên theo hình thức miễn phí cho người khó khăn thì nguồn thực phẩm phát triển sẽ nhắm đến nhóm đối tượng có thu nhập thấp. Theo đó, Food Bank Việt Nam sẽ ứng dụng công nghệ, tạo nên nền tảng kết nối để các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất thường xuyên cung cấp đa dạng thực phẩm giá rẻ, giá gốc đến người thu nhập thấp, góp phần giảm áp lực chi tiêu cũng như hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thực phẩm phải bỏ đi do không tiêu thụ kịp trong ngày.
Theo nhandan.vn