Ở tuổi 25, Rayner Loi đã tạm ngưng ngành Tài chính của Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS) để khởi nghiệp. Phát minh máy theo dõi thực phẩm dư thừa sử dụng trí thông minh nhân tạo của chàng trai này có thể là câu trả lời cho vấn đề lãng phí thực phẩm trên thế giới.
Là một sinh viên tài chính tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, đã có lúc Rayner Loi mơ ước được làm nghề đầu tư hoặc ngân hàng tư nhân, nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau một cuộc trò chuyện định mệnh khoảng 3 năm trước. Khi đó, chàng trai 22 tuổi đang thực hiện một dự án liên quan đến việc kết bạn với thanh niên có nguy cơ. Rayner Loi đã đưa một cậu bé ra ngoài ăn tối và khi về nói với mẹ cậu rằng cậu ta đã ăn ở ngoài rồi. “Cô ấy rất xúc động và cảm ơn tôi. Tôi nói chỉ là một bữa tối thôi mà, tôi có thể lo được. Nhưng sau đó cô ấy tâm sự rằng có những ngày cả hai mẹ con không có gì để ăn tối”.
Loi ngỡ ngàng khi biết là có những gia đình rất chật vật mới đủ ăn. “Tôi cũng tìm hiểu về tình trạng lãng phí thực phẩm của Singapore, nghịch cảnh là người ta có thể bỏ phí rất nhiều thực phẩm tốt trong khi có những gia đình còn phải chạy ăn từng bữa”. Cuộc trò chuyện xúc động đó đã thôi thúc Rayner Loi nghĩ đến giải pháp cho thực phẩm thừa.
Rayner Loi và người đồng sáng lập Công ty “Good for food”
Nhận diện rác bằng công nghệ cao
Ý tưởng đầu tiên của Rayner Loi là một ứng dụng di động mà anh bắt tay vào cuối năm 2016, cho phép các nhà hàng có thực phẩm dư thừa bán cho những khách hàng khó khăn với mức giá rẻ. Sau đó, Rayner Loi đã hướng đến thị trường lớn hơn là nhà hàng, khách sạn với dự án “Good For Food”, trong đó cài đặt thiết bị theo dõi được gọi là Insight bên trên thùng rác hiện có của họ. Khi thực phẩm được ném vào thùng rác, thiết bị theo dõi sử dụng camera, cảm biến và công nghệ nhận dạng hình ảnh tích hợp để ghi lại rác bên trong. Dữ liệu thu thập được sẽ tự động gửi thành báo cáo qua điện toán đám mây, từ đó nhắc nhở khách hàng về việc giảm lãng phí thực phẩm.
“Nếu chúng ta có thể báo với một nhà hàng ăn tự chọn rằng trong 30 ngày qua, họ đã vứt đi trung bình 10kg cà ri gà mỗi bữa trưa, họ có thể từ thông tin đó mà lên kế hoạch tốt hơn cho các dịch vụ trong tương lai. Có lẽ họ có thể giảm 5kg cà ri gà trước, sau đó tiếp tục theo dõi xem liệu có biện pháp tối ưu hơn nữa không”, Rayner Loi giải thích.
Hiện tại có 12 máy theo dõi được lắp đặt tại các khách sạn, bếp trung tâm nhưng Giám đốc điều hành “Good For Food”, Rayner Loi cho biết, anh coi khách sạn là thị trường ưu tiên của mình vì họ phải đối mặt với chung một thách thức làm sao chuẩn bị khối lượng thức ăn vừa đủ, tránh lãng phí. “Cơn ác mộng đối với các khách sạn là khách phàn nàn rằng họ đã trả tiền ăn tiệc buffet nhưng thức ăn đã hết, vì vậy các chủ khách sạn thường phải chuẩn bị lượng thực phẩm dư ra. Nhưng họ lại phải bỏ đi rất nhiều thức ăn, mà thực sự không biết đối phó như thế nào”, thanh niên này phân tích.
Giải pháp chống lãng phí thực phẩm
Rayner Loi cho biết, nhờ máy theo dõi Insight, các cơ sở đã tiết kiệm được khoảng 30-40% thực phẩm dư thừa, từ đó chi phí nguyên liệu của họ giảm khoảng 3 – 8%. Đơn cử, khách sạn Andaz Singapore đã bắt đầu thử nghiệm máy theo dõi Insight vào tháng trước, và Tổng Giám đốc khách sạn, ông Olivier Lenoir hy vọng sẽ giảm được 20% thực phẩm bỏ đi.
Trước đó, khách sạn đã thu gom thực phẩm dư thừa và ghi lại trọng lượng nhưng đó là hỗn hợp đủ loại, không thể phân biệt đâu là cá hồi hun khói hay vỏ cam, cũng không thể biết thứ nào còn tốt có thể ăn được hay có phương pháp bảo quản tốt hơn. “Nhưng giờ hệ thống Good For Food đã giúp chúng tôi giải quyết được điều đó. Để không lãng phí, thay vì đặt một đĩa lớn tất cả cá hồi hun khói lên dây chuyền, chúng tôi có thể có 3 đĩa nhỏ hơn và chỉ đưa ra một lần một”, ông Lenoir nói.
Hiện nay, Công ty Good For Food mà Rayner Loi đồng sáng lập năm 2017 đang liên kết với một số thương hiệu khách sạn quốc tế, đồng thời nhận được sự quan tâm ngày càng tăng từ các thị trường như Jakarta và Macau. Đại diện Temasek Foundations, quỹ đã tài trợ cho start-up này cho biết: “Chúng tôi hy vọng nhiều người trẻ tuổi sẽ gia nhập hàng ngũ những nhà phát minh và tìm giải pháp để biến Singapore thành một nơi bền vững và đáng sống hơn”.
Theo Channel News Asia