Dẫu biết lãng phí thực phẩm chẳng phải là việc hay, song Nguyễn Thị Thu vẫn loay hoay không biết giải quyết những bữa cơm thừa như thế nào.
Là nhân viên văn phòng ở Hà Nội, Thu cho hay gần như các bữa “ăn không hết” của cô đều bắt nguồn từ chuyện “mắt to hơn bụng”. Thu đồng ý là không nên phung phí thực phẩm, song nếu đã thấy no, cô sẽ không ép mình nốt phần thức ăn còn lại.
Những ngày chưa có tủ lạnh, Thu sẽ vứt bỏ thức ăn thừa để qua đêm. Nhưng khi đã có tủ lạnh, thức ăn thừa nhà Thu vẫn đi vào sọt rác. Thu chia sẻ, lý do lúc này là đồ ăn không tươi ngon.
Câu chuyện loay hoay quanh bữa cơm thừa của Thu không phải là câu chuyện duy nhất ở Việt Nam hay trên thế giới, thậm chí còn là câu chuyện phổ biến. Và Thu chỉ là một trong số rất nhiều người dù vô tình hay hữu ý, đang chung tay gây nhức nhối thêm vấn đề lãng phí thực phẩm, một trong những thách thức các thành phố trên thế giới ngày nay đang phải đương đầu.
Theo Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA), thất thoát và lãng phí thực phẩm là một trong những vấn đề môi trường lớn của toàn cầu. Số thực phẩm này tiêu tốn 1/4 lượng nước thế giới sử dụng cho nông nghiệp, trên diện tích canh tác lớn bằng Trung Quốc và tạo ra 8% lượng khí thải toàn cầu.
Trong khi đó, theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), hàng năm, số thực phẩm bị lãng phí ở các nước giàu xấp xỉ lượng thực phẩm ròng của toàn bộ khu vực phía nam sa mạc Sahara, châu Phi (222 – 230 triệu tấn). Hàng năm, số thực phẩm bị thất thoát và lãng phí lớn hơn một nửa sản lượng ngũ cốc hàng năm của thế giới (2,3 tỷ tấn vụ mùa 2009/2010). Đây là những con số đáng báo động, song nằm ở đâu đó trong mắt nhiều người.
Theo giáo sư dự khuyết ngành tâm lý học, Đại học Saint Louis (Philippines) Ylona Veronica A. Bayod, lãng phí thực phẩm xảy ra vì người thực hiện hành vi hoặc chưa bao giờ được giáo dục về tầm quan trọng của việc sử dụng thực phẩm, hoặc chưa bao giờ bị phạt vì lãng phí.
Dù biết về nạn đói trên thế giới, nhiều người vẫn lãng phí thực phẩm vì thiếu sự cảm thông, trở nên thờ ơ với những gì họ nhìn thấy hay chưa bao giờ biết đói là gì. Lối tư duy “chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra với tôi” giải thích tại sao nhiều người không cảm thấy mối nguy, sự cần thiết và trách nhiệm để và đủ để không lãng phí thực phẩm. Cô Veronica cũng bác bỏ lập luận thói quen “để thừa thức ăn” khó thay đổi, bởi không thói quen nào không thể thay đổi trừ phi cá nhân không muốn thay đổi.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Các Thành phố Thế giới (WCS) lần thứ năm diễn ra tại Singapore trong tháng 7, lãnh đạo và thị trưởng các thành phố trên thế giới đã cùng thảo luận về những thách thức và giải pháp trong quá trình xây dựng các thành phố đáng sống và phát triển bền vững khi con người đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng thấy.
Trong bối cảnh đó, quan trọng không kém sự hợp tác của các nhà lãnh đạo chính là vai trò của các cá nhân. Để đối phó với những thách thức toàn cầu, theo Bộ trưởng Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch Esnen Lunde Larsen, thay đổi phải đến ngay từ cấp độ cá nhân.
Trong vấn đề xử lý lãng phí thực phẩm, cô Veronica đã đề xuất giải pháp đánh vào túi tiền của người tiêu dùng khi họ để thừa thực phẩm. “Ai vào một lúc nào đó cũng sẽ dùng bữa ở nhà hàng. Vì vậy, xây dựng nhận thức thông qua chi phí sẽ tác động đến ý thức của họ về lãng phí thực phẩm”, cô nói.
Cô cũng chỉ ra rằng các bậc phụ huynh cần được tuyên truyền để giáo dục con cái và trở thành tấm gương cho các thế hệ tiếp theo, lực lượng sẽ đóng vai trò nòng cốt trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm.
Từ nước Mỹ, Đệ nhất Phu nhân Michelle Onama gần đây đã nói ra một chân lý: “Chúng ta không thể nhởn nhơ và hy vọng mọi điều sẽ tốt đẹp”. Thời gian để hành động là ngay bây giờ và mỗi một “trận chiến tư tưởng” về việc cố ăn hết, cất thức ăn thừa đi hay vứt vào sọt rác đều quan trọng.
Theo Báo Tin Tức