Trong lúc học sinh ăn sáng, người cung cấp thực phẩm chở đến hơn 5 kg thịt lợn, 5 kg cá và 5 kg đậu cô ve. Cô Cư kiểm tra chất lượng, số lượng, sau đó bàn giao cho nhà bếp chế biến. Đến bữa trưa, 50 tô cơm lại được dọn ra, phía trên là mấy miếng thịt kho cùng đậu xào, canh rau rừng do bộ phận bếp hái.
Cô Trần Thị Cư là giáo viên mầm non ở điểm trường Tắk Ta – Mang Liệt, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My. Buổi sáng, cô đến sớm, đôn đốc 30 học sinh mẫu giáo, 20 em lớp 1 bán trú dậy đánh răng rửa mặt. Trước khi lên lớp, các em ngồi vào dãy bàn đặt sẵn trước hành lang nhà bán trú, trên đó có 50 bát cháo tôm hoặc thịt nóng hổi chờ sẵn.
Trong lúc học sinh ăn sáng, người cung cấp thực phẩm chở đến hơn 5 kg thịt lợn, 5 kg cá và 5 kg đậu cô ve. Cô Cư kiểm tra chất lượng, số lượng, sau đó bàn giao cho nhà bếp chế biến. Đến bữa trưa, 50 tô cơm lại được dọn ra, phía trên là mấy miếng thịt kho cùng đậu xào, canh rau rừng do bộ phận nhà bếp hái.
Nhìn học trò ăn ngon lành, hơn 10 phút trong bát không còn một hạt cơm, cô giáo Cư mỉm cười, yên tâm đi ăn cơm với bộ phận nhà bếp.
Bà Hồ Thị Bé, phụ huynh của 3 cháu học mẫu giáo, tham gia nấu ăn bán trú gần 3 năm nay cho biết, từ ngày cô Cư đến dạy học, bữa ăn của học sinh được cải thiện đáng kể. “Trước đây tôi phải mang gạo, mắm muối đến nấu ăn cho các cháu bữa trưa và tối. Thức ăn chỉ cơm trắng và rau rừng, muối, lâu lâu mới có miếng thịt, lát cá”, bà Bé nói.
Quê ở xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My, cô Cư tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành mầm non năm 2016, nhưng không xin được việc làm. Cô từng ra Đà Nẵng làm công nhân được 4 tháng, nghe bạn giới thiệu ở huyện Nam Trà My đang tuyển giáo viên. Tháng 2/2017, cô hợp đồng với trường mầm non ở xã Trà Vân, sau 1 năm không được ký tiếp.
Trong lúc chuẩn bị về quê, cô được trường mầm non xã Trà Nam ký hợp đồng dạy ở điểm trường Tắk Ta – Mang Liệt. Ngôi trường cách trung tâm xã 10 km, giáp với tỉnh Kon Tum. Hầu hết học sinh dân tộc Xê Đăng thuộc diện hộ nghèo, đường đến trường đi bộ hơn một tiếng, có em đi 3 tiếng.
Học sinh ăn ở bán trú từ nguồn tiền Nhà nước hỗ trợ 120.000 đồng mỗi tháng. Cha mẹ thay nhau đến trường nấu ăn cho con 22 ngày một tháng, tính ra mỗi ngày ăn 5.000 đồng. Số tiền ít ỏi nên phụ huynh thường đưa gạo, rau, mắm, muối đến để tổ chức bữa ăn bán trú.
Chứng kiến cảnh học sinh thiếu thức ăn, nhiều hôm chỉ cơm trắng với muối giã ớt, nước mắm khiến cô xót xa, tự hỏi “ăn thế này sao mạnh khỏe và học tốt được”. Cô bắt đầu lên kế hoạch kêu gọi “bữa cơm có thịt”, kết bạn, làm quen với nhiều nhóm từ thiện và các mạnh thường quân trên mạng xã hội để xin viện trợ.
Sau 4 tháng nhắn tin kêu gọi, nhiều lần uất ức phát khóc vì bị nghi ngờ lợi dụng lòng tốt, cô nhận được sự giúp đỡ của 4 người với 10 triệu đồng mỗi tháng để tổ chức bữa ăn cho học sinh. Một người hỗ trợ sữa uống cho các em mỗi tuần hai lần. Hôm trời lạnh, họ cung cấp 5 lon sữa đặc rồi hòa vào một thùng nước nóng phát cho các em uống, hôm trời nắng phát sữa hộp.
“Tôi chụp ảnh những bữa ăn thiếu thốn của học sinh gửi đến cho họ xem và ngỏ ý mong được tài trợ”, cô giáo 25 tuổi nói về cách xin hỗ trợ và cho biết sau khi nhận được tiền đã vận động được 14 ông bà lớn tuổi không lên nương rẫy đến trường thay nhau nấu ăn cho học sinh.
Tháng 9/2018, “bữa ăn có thịt” của học sinh điểm trường Tắk Ta – Mang Liệt ra đời. Sau mỗi bữa ăn, cô Cư chụp ảnh, quay video gửi đến các mạnh thường quân thông báo khẩu phần ăn. “Số tiền Nhà nước hỗ trợ tăng lên 149.000 đồng/tháng, cộng với 10 triệu đồng chia cho 22 ngày thì khẩu phần ăn trên 16.000 đồng mỗi học sinh. So với trước tăng hơn 10.000 mỗi ngày”, cô Cư nhẩm tính.
Tối mỗi ngày, cô Cư sẽ lên thực đơn gửi đến những người cung cấp lương thực, thực phẩm. Sáng hôm sau họ chở đến trường để phụ huynh chế biến. Bữa sáng của học sinh thường ăn cháo, súp, mì; buổi trưa và tối cơm cá, thịt… khẩu phần ăn hàng ngày được thay đổi liên tục.
Chuyện ăn uống các em được cải thiện, nhưng học trò vẫn thiếu thốn áo quần, dép… cô Cư tiếp tục kêu gọi giúp đỡ. Sau những lần đó, học sinh đón nhận áo quần, dép, sách vở mới từ các mạnh thường quân gửi về.
Cô cũng kết nối với hai người bạn ở Bà Rịa – Vũng Tàu xin được hơn 700 triệu đồng. 3 tháng hè, cô ở lại cùng người dân cõng vật liệu xây dựng 3 phòng học và đưa vào sử dụng từ năm học 2018 – 2019.
“Việc đi xin vất vả thế nào tôi cũng không ngại, vì tất cả cho học sinh. Mỗi lần nhận được sự giúp đỡ cho các em tôi vui lắm”, cô Cư nói. Nguyện vọng của cô là được vào biên chế, gắn bó lâu dài với học sinh.
Bà Lê Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng trường mẫu giáo xã Trà Nam cho biết, cô Cư là giáo viên hợp đồng với trường, mỗi tháng nhận tiền lương hơn 3 triệu đồng. “So với làm công nhân, lương giáo viên chỉ bằng một nửa, nhưng bằng tâm huyết, yêu mến học sinh, cô Cư ở lại giảng dạy, vận động được nhiều người hỗ trợ tiền cải thiện bữa ăn cho học sinh”, bà Thanh nói.
Theo VnExpress