Trong khi gần một tỷ người bị suy dinh dưỡng hoặc đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, thì gần 1/3 sản lượng thực phẩm trên thế giới đang bị lãng phí.
Để thoát khỏi tình trạng bế tắc này, các công ty khởi nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các nhà công nghiệp, nông dân và các nhà khoa học đã có nhiều biện pháp chống lãng phí thực phẩm.
Lãng phí thực phẩm-vấn đề không của riêng ai
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), trong năm 2015, khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực, thực phẩm đã bị vứt bỏ, tương đương hơn 1.000 tỷ euro bị lãng phí. Thêm vào đó, quá trình sản xuất thực phẩm chưa từng được tiêu thụ này đã tạo ra khoảng 10% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Tình trạng này đang có xu hướng tồi tệ trong những năm gần đây.
Dẫn báo cáo của Cơ quan Môi trường và Quản lý năng lượng Pháp (ADEME), tờ Le Figaro cho biết, người tiêu dùng Pháp là những người lãng phí nhất khi có đến 33% lượng thực phẩm vứt đi là từ tủ lạnh của các gia đình hoặc trên các đĩa ăn của thực khách ở nhà hàng. Tỷ lệ này ở các cơ sở sản xuất là 32%, ở các nhà máy là 21% và cửa hàng thực phẩm là 14%.
Trái cây và rau củ bị vứt bỏ trên vỉa hè ở Sao Paulo, Brazil. Ảnh: AFP |
Tại Mỹ, người tiêu dùng và nhà hàng là tác nhân gây lãng phí gần 60% lượng thực phẩm. Hiện tượng lãng phí lương thực, thực phẩm không chỉ diễn ra ở các nước phát triển, nơi người tiêu dùng có “quá nhiều lựa chọn”, mà còn xảy ra ở cả những nước nghèo ở châu Phi, nơi thường xuyên bị nạn đói đe dọa. Đóng góp vào tỷ lệ lãng phí này, các nước công nghiệp phát triển ở châu Á chiếm đến 28%, Nam Á và Đông Nam Á 19%, châu Phi 17%, châu Âu 17%, Mỹ 12% và châu Mỹ Latin 7%.
Theo tờ Le Figaro, chống lãng phí lương thực, thực phẩm ít được đề cập đến và chỉ trở nên nổi bật trong những cuộc tranh luận ở các cơ quan quốc tế từ thập niên 1980. Năm 2015, Liên hợp quốc đã đưa ra lộ trình nhằm giảm một nửa khối lượng lương thực, thực phẩm lãng phí tính trên đầu người, đồng thời giảm sự lãng phí thực phẩm trên tất cả các khâu, từ phân phối đến tiêu dùng.
“Trên thực tế, nếu không lãng phí thì chúng ta có đủ lương thực để nuôi sống 10 tỷ người”, ông Éric Archambeau, người đồng sáng lập Quỹ đầu tư tác động Astanor Ventures, khẳng định. Ông Archambeau nhấn mạnh, cuộc chiến chống lại sự lãng phí cấp thiết này đòi hỏi một chiến dịch được tiến hành đồng bộ từ nông trại đến bàn ăn.
Muôn vàn biện pháp chống lãng phí
Những năm gần đây, những người theo đuổi quan điểm chống lãng phí đẩy mạnh hoạt động nâng cao giá trị các nông sản không đủ tiêu chuẩn đặt trên kệ hàng. Năm 2018, chuỗi cửa hàng chống lãng phí (NOUS anti-gaspi) ra đời, cho phép tiếp nhận và cung cấp các sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn hoặc rau không đáp ứng tiêu chuẩn phân phối trên thị trường.
Thậm chí, NOUS anti-gaspi còn truy ngược lại toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm để tìm kiếm lượng thực phẩm mà các nhà sản xuất hoặc nhà công nghiệp loại bỏ trước khi đóng gói chúng. Với 25 cửa hàng, thương hiệu “NOUS anti-gaspi” tuyên bố mỗi năm tiết kiệm được 18.000 tấn trong tổng số 10 triệu tấn thực phẩm lãng phí ở Pháp.
Chuối là một trong những thực phẩm bị lãng phí nhất trên thế giới. Thống kê cho thấy, mỗi năm có đến 50 triệu tấn chuối bị loại bỏ vì lý do mẫu mã không đạt yêu cầu để có mặt trên các kệ hàng của siêu thị. Trước thực trạng trên, công ty khởi nghiệp Sunt của Hà Lan đã thu gom những quả chuối bị loại để làm bánh chuối, mứt hoặc hoa quả dầm sữa chua.
Tại Mỹ, tập đoàn thịt lợn khổng lồ Smithfield Foods đã hợp tác với Logistician Lineage để mở một trung tâm phân phối tự động hiện đại ở Olathe (bang Kansas). Với môi trường không khí được kiểm soát và siêu tự động, cơ sở này sẽ tối ưu hóa thời gian lưu trữ, cho phép nhà chế biến thịt lợn hàng đầu của Mỹ giảm được 50% lượng thực phẩm hư hỏng.
Ở khâu cuối của chuỗi cung ứng, Công ty “Too Good to Go” của Pháp đã tạo ra một ứng dụng di động kết nối khách hàng đến các nhà hàng và cửa hàng có thực phẩm tồn kho. Ứng dụng này cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin cụ thể về sự khác biệt giữa ngày bảo đảm chất lượng tối thiểu và ngày hết hạn sử dụng (Expired date).
Ngoài ra, với số tiền hoa hồng được khấu trừ từ mỗi giỏ hàng được bán, “Too Good to Go” có thể tài trợ cho các hoạt động chống lãng phí thực phẩm ở mọi cấp độ, từ thành phố đến trường học và cá nhân người tiêu dùng. “Đây là một trong những biện pháp chống lãng phí thực phẩm hiệu quả hiện đang có mặt tại 17 quốc gia và đã giúp thế giới tiết kiệm được 146 triệu bữa ăn”, bà Lucie Basch, người đồng sáng lập ứng dụng nói trên, khẳng định.
Theo qdnd.vn