Theo cảnh báo, tổn thất thực phẩm ở Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Hầu hết các tổn thất xảy ra trong quá trình sản xuất và thu hoạch nông sản khoảng 25%, trong khi tổn thất sau xử lý, vận chuyển và bảo quản thấp hơn nhiều là 6%.

Sản phẩm thịt heo đóng gói bán ở siêu thị Aeon Tân Phú, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Sản phẩm thịt heo đóng gói bán ở siêu thị Aeon Tân Phú, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Giảm rác thải về chợ

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia không còn nạn đói ở Việt Nam, hiện nay, thất thoát trong lĩnh vực rau quả, thủy sản ở Việt Nam diễn ra khá nhiều do thiếu các thiết bị lưu giữ và vận chuyển trong quá trình vận hành. Trung bình, 25% thực phẩm bị thất thoát trước khi đến các nhà máy chế biến, nhà phân phối; ước tính thiệt hại trong ngành hàng rau quả là 32% tổng sản lượng. Trên toàn quốc, con số này là thiệt hại 7,3 triệu tấn rau quả mỗi năm. Theo ước tính, nông sản bị thiệt hại 8%-9% bị vứt bỏ; thủy sản bị thiệt hại ước tính 12% sản lượng, hao hụt thịt là 14%. Từ đó, lương thực thực phẩm bị sử dụng một cách lãng phí, bị vứt bỏ hiện nay là 1,6 tỷ tấn/năm, tương đương với 1.200 tỷ USD. Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội mà còn ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động xả thải thực phẩm chiếm tới 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu.

Nhằm góp phần giảm lượng rác thải, nâng cao chất lượng môi trường, cải thiện thất thoát thực phẩm, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, sở phối hợp Sở Công thương các tỉnh thành triển khai thực hiện công tác sơ chế tại nguồn đối với nguồn hàng nông sản thực phẩm tại các tỉnh, thành Đông – Tây Nam bộ nhập về 3 chợ đầu mối. Lượng rác thải bình quân tại 3 chợ đầu mối có xu hướng giảm qua các năm. Trong giai đoạn 2018-2020, lượng rác thải của 3 chợ đầu mối, chủ yếu là rác thải có nguồn gốc từ nông sản đã giảm khoảng 60-65 tấn/đêm, tương đương 25%-27% lượng rác thải năm 2018. Hiện nay, các chợ không còn tình trạng sơ chế mặt hàng rau củ quả trong nhà lồng, cải tạo cảnh quan, môi trường và điều kiện an toàn thực phẩm tại chợ trong nhà lồng chợ. Bên cạnh đó, các mặt hàng củ cải trắng, củ cải đỏ, cải sú, cải sậy, cải thảo… sẽ được sơ chế, đóng gói trước khi nhập vào chợ đầu mối.

Trước kia, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức với 70 tấn/ngày lượng rác thải nông sản; từ sau khi sơ chế còn lại 50 tấn/ngày. Ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, thừa nhận, tình trạng sơ chế tại nguồn vẫn chưa hoàn thiện. Bởi, phần lớn các doanh nghiệp thu mua đỡ tốn chi phí thuê nhà sơ chế, nhân công nên vận chuyển về chợ đầu mối cho nhanh. Đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho rằng, nông sản của Trung Quốc đến chợ sẽ không cần sơ chế, do vận chuyển bằng container đông lạnh và lớp bọc màng bảo quản. Còn nông sản Việt Nam thì không có sơ chế, mà chủ yếu dựa vào lớp rau ngoài cùng trở thành vỏ bọc. Theo chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, từ sau khi thực hiện sơ chế tại nguồn, rác thải nông sản giảm 15%. Có thể thấy, lượng phế phẩm, bùn đất sau sơ chế thải ra nhiều khiến công tác vệ sinh, khai thông cống rãnh rất khó khăn, phải thực hiện liên tục, tốn rất nhiều nhân công, chi phí…

Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ

Theo kết quả Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc nghiên cứu cho thấy, 1/3 lượng thực phẩm được sản xuất phục vụ nhu cầu của con người trên toàn cầu bị thất thoát hoặc lãng phí. Để sản xuất lượng thực phẩm bị thất thoát và lãng phí này, phải sử dụng khoảng 1/4 tổng lượng nước dùng cho nông nghiệp toàn cầu. Đối với các nước đang phát triển, tình trạng lãng phí thực phẩm xảy ra ở khâu sản xuất, chế biến thực phẩm.

Việt Nam tổn thất sau thu hoạch khoảng 20%-25%, tổng thiệt hại ước tính khoảng 8,8 triệu tấn, tương dương 3,9 tỷ USD, 2% GDP Việt Nam, 12% GDP ngành nông nghiệp Việt Nam. TS Dương Thị Thu Hằng, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT) đưa ra dẫn chứng, như lúa tổn thất sau thu hoạch từ 13,7%-15% tương dương với 3 triệu tấn, khoảng 760 triệu USD/năm; bắp là 15%-18%; sắn 20%-25%; khoai lang là 18%-22%; hạt tiêu, điều là 9%-10%/năm… Nhất là rau ăn củ tổn thất 10%-20%, rau ăn lá trên 30%, các loại quả tổn thất trên 25% là do mất nước trong quá trình sơ chế, bảo quản, tiêu thụ… chiếm 75%-85%, còn lại tổn thất chất khô do quá trình hô hấp của rau. Nguyên nhân là sản xuất nông nghiệp manh mún thành các trang trại siêu nhỏ. Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch còn lạc hậu. Hệ thống hậu cần còn kém hiệu quả, thiếu cơ sở hạ tầng bảo quản và thiếu máy móc cho chế biến sâu; các biện pháp đóng gói và xử lý sau thu hoạch trong chuỗi cung ứng chưa đáp ứng được yêu cầu; hệ thống logistic còn hạn chế.

Theo TS Dương Thị Thu Hằng, giải pháp là đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến tiên tiến, công nghệ bảo quản các tiến bộ kỹ thuật về vật liệu, chế phẩm bảo quản vào sản xuất để tạo ra sản phẩm rau quả có giá trị gia tăng cao. Quan trọng hơn hết, nông nghiệp phải kiểm soát từ trang trại. Đầu tư nhà xưởng với trang thiết bị phù hợp để hình thành hệ thống các cơ sở sơ chế, đóng gói rau quả tươi, các kho lạnh bảo quản tại các vùng sản xuất tập trung nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Phát triển các dịch vụ logistics để giảm chi phí vận chuyển, lưu thông rau quả. Bên cạnh đó, lượng rác thải phát sinh trong quá trình triển khai sơ chế tại nguồn có thể được tận dụng làm phân bón phục vụ cho nông nghiệp, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.

Theo SGSP