Thế giới đang lãng phí số lương thực, thực phẩm trị giá gần 1.000 tỷ USD/năm, đủ để nuôi sống 2 tỷ người. Giải quyết sự lãng phí khủng khiếp này đang đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Những chương trình khuyến mãi tràn lan đang đẩy nạn lãng phí thực phẩm lan rộng khắp thế giới. Các chương trình khuyến mãi “mua một tặng một” khiến tới 30 – 50% lượng thực phẩm bị người tiêu dùng để chất đống trong tủ lạnh cho đến ngày vứt thẳng ra thùng rác. Tại Anh, các hộ gia đình vứt bỏ thực phẩm trị giá 2,4 tỷ bảng Anh (4 tỷ USD) một năm. Tại Mỹ, có tới 60 tấn lương thực bị lãng phí trong năm 2010; trong khi tại Liên minh Châu Âu, gần 90 triệu tấn lương thực hư hỏng hằng năm…
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, trung bình hằng năm trên thế giới số lương thực, thực phẩm bị bỏ phí, cả trong thu hoạch, bảo quản cũng như trong quá trình sử dụng, có tổng trị giá ước tính lên tới 1.000 tỷ USD.
Khu vực Bắc Mỹ đáng phê phán nhất do trung bình mỗi người mỗi năm bỏ phí từ 95 – 115kg lương thực, thực phẩm. FAO cho rằng đây là thực tế không thể chấp nhận được về mặt kinh tế mà cả khía cạnh môi trường và đạo đức, vì hằng ngày trên thế giới vẫn có hàng trăm triệu người bị đói ăn.
FAO mới đây đã kêu gọi tất cả người dân trên thế giới phản đối tình trạng lãng phí thực phẩm, coi đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm bớt đói nghèo. Theo tính toán, số lương thực, thực phẩm bỏ phí này đủ giúp cho 2 tỷ người có được 3 bữa ăn/ngày.
Chiến dịch Think.Eat.Save. nhằm tiến hành các chương trình hành động và cung cấp một tầm nhìn toàn cầu cho những sáng kiến khác nhau về sử dụng lương thực, thực phẩm hợp lý, tiết kiệm đang diễn ra trên khắp thế giới. Các nhà sản xuất có thể giảm mất mát thực phẩm thông qua cải thiện thu hoạch, chế biến, lưu trữ, vận chuyển và cung cấp, cùng với việc kết hợp thay đổi nhận thức của cộng đồng về phương thức tiêu thụ thực phẩm một cách toàn diện lâu dài.
Đáng chú ý là có khá nhiều doanh nghiệp tham gia giải quyết vấn đề nan giải này của thế giới. Chẳng hạn, Công ty Cowboy đưa ra giải pháp kết nối các nhà sản xuất thực phẩm và vận chuyển để bán hoặc phân phát thực phẩm cho các tổ chức từ thiện. Hơn 1.000 tài xế xe tải đã vận chuyển 500 tấn thực phẩm cận hạn đến khoảng 60 tổ chức từ thiện tại Mỹ trong năm qua.
Trong khi đó, CropMonster là một nỗ lực kết nối giữa các nhà bán lẻ, nhà sản xuất và các ngân hàng thực phẩm, để giảm thiểu các công đoạn gây hư hỏng, dư thừa thực phẩm. Tại Đức, ứng dụng FoodLoop đang được khuyến khích sử dụng trong các hệ thống siêu thị. FoodLoop thông báo cho người tiêu dùng các mặt hàng được giảm giá mạnh vì gần sát ngày hết hạn. Qua đó, người tiêu dùng có thể mua được hàng giá rẻ, còn siêu thị giải quyết được lượng hàng tồn kho ngay lập tức…
Công ty Sodexco (Mỹ), chuyên về dịch vụ thực phẩm, đã cho nhân viên cắt giảm lượng lãng phí, bằng cách sử dụng các đĩa cân có kết nối với màn hình cảm ứng của thiết bị đầu cuối. Trước khi thực phẩm bị loại bỏ, nhân viên phải cân chúng và phải cung cấp tên thức ăn lẫn lý do vứt bỏ. Thiết bị này sẽ ghi lại ngày, giờ, trọng lượng và ước tính giá trị của thực phẩm…
Tuy nhiên, các dịch vụ trên còn cần nhiều thời gian để phát triển. Trong khi đó, có những giải pháp đơn giản hơn cho những người mua sắm siêu thị: lên danh sách những thứ cần mua, để khi tới siêu thị không bị lôi cuốn vào những đợt khuyến mãi, tha đầy về nhà những món hàng không bao giờ dùng đến.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn