“Ba mẹ yên tâm, con sẽ sống tốt với những phần còn lại trên cơ thể mình”, đó là lời hứa của chàng trai không may mất đi chân trái sau một lần bị tai nạn giao thông.

Chàng trai không may mất đi chân trái sau một lần bị tai nạn giao thông.

Cách đây bốn năm, trong lúc đang đi làm về, anh Nguyễn Văn Lưu (28 tuổi, quê Bình Định) bị một ô tô bảy chỗ tông trúng.

Đứng vững trên 1 chân nhờ... giúp người khác ảnh 1
Anh Lưu trao tiền hỗ trợ cho một hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TÚ NGÂN

Tìm lại niềm vui từ nghịch cảnh

“Lúc đó, một bên chân của tôi bị thương rất nặng. Tôi năn nỉ người tông mình đưa tôi vào bệnh viện nhưng họ vẫn không làm gì, chỉ đứng nhìn. Người qua đường hiếu kỳ ghé lại đông nghịt, họ tuyệt nhiên bàn tán mà không một ai giúp đưa tôi vào viện. Phải đến nửa tiếng sau, khi cơ quan chức năng đến hiện trường làm việc, lúc này tôi tự bắt taxi vào bệnh viện” – anh Lưu bồi hồi nhớ lại.

Nỗi đau đớn tột cùng ập tới khi anh nghe bác sĩ cho biết phần chi dưới của anh không thể giữ được, phải cưa đi gấp, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vì sợ cha mẹ lo lắng nên anh giấu rằng tai nạn không đến mức nghiêm trọng. Bản cam kết cắt bỏ một phần chi dưới (bên trái) được chính anh Lưu ký trước khi người thân kịp có mặt.

Giây phút anh tỉnh lại trong phòng hồi sức, cảm giác lạnh lẽo và mất mát xâm lấn vào từng tế bào cơ thể: “Tôi nhớ mình đã nhìn vào đôi chân của mình hơn chục lần, tôi đã khóc, khóc nhiều lắm… Tôi chấp nhận sự thật rằng mình vĩnh viễn mất đi một chân”.

Hay tin anh Lưu vào viện, mẹ anh tức tốc từ quê vào TP.HCM để chăm sóc con trai. Bà đã ngất xỉu khi nhìn thấy chân trái của anh không còn. Khi đó, anh cố gắng gượng cười để vơi đi nỗi đau của mẹ: “Tôi nghĩ đến ba mẹ nên cố gắng gượng dậy. Tôi tìm niềm vui để an ủi họ trước cú sốc quá lớn, cũng như tự trấn an bản thân mình”.

Gần 40 ngày đối mặt với nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, anh Lưu nhận được sự yêu thương của những người xung quanh. Bạn của anh đã chia sẻ tình trạng của anh lên mạng xã hội. Nhiều người biết đến và giúp đỡ anh. “Nhiều người đến thăm mang quà, bánh hay sữa cho tôi. Cứ có quà cáp thì tôi lại chia cho mọi người, ai hỗ trợ tiền tôi cũng mang chia sẻ với bệnh nhân xung quanh. Tôi thấy những bệnh nhân khác cũng rất khó khăn nhưng họ vẫn lạc quan vươn lên, cố gắng sống tốt… Tôi nghĩ mình còn trẻ thì càng cần nỗ lực hơn” – anh Lưu nói.

San sẻ với những số phận kém may mắn

Rời bệnh viện, anh Lưu về quê tiếp tục tịnh dưỡng. Dần dần qua những lời động viên, chia sẻ cùng với mẹ, anh có động lực trở lại cuộc sống của chàng trai đôi mươi. Anh xin vào tịnh xá Ngọc Như ở địa phương tham gia nấu cơm chay tặng bệnh nhân nghèo tại BV đa khoa Phù Cát. Theo anh, đây chính là cơ duyên khiến anh đủ tự tin để tiếp tục giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn khác.

Sau đó, anh Lưu đến học nghề ở Hà Nội. Bấy giờ anh bắt gặp một cụ ông bị lẫn ngoài 90 tuổi. Người đàn ông già cỗi, lẻ loi, không con, không cháu và không thể tự chủ vệ sinh cá nhân. “Trong căn nhà toàn là chất bẩn của ông, mùi hôi nồng nặc. Vì bị lẫn nên đôi lúc ông cụ có phần nóng giận. Ban đầu thấy thương nên tôi mua đồ ăn cho ông. Rồi dần tiếp cận, dụ dỗ mãi ông mới chịu để yên cho tôi tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa. Thấy tôi không có hại nên ông mới nói chuyện với tôi nhiều hơn”.

Hơn bốn năm qua, anh Lưu vẫn duy trì công tác từ thiện của mình bằng việc giúp đỡ người tàn tật, bệnh nhân nghèo, người bị tai nạn thương tâm không có tiền chữa trị…

Hơn bốn năm qua, anh Lưu vẫn duy trì công tác từ thiện của mình bằng việc giúp đỡ người tàn tật, bệnh nhân nghèo, người bị tai nạn thương tâm không có tiền chữa trị…

Chia sẻ về cách thức hoạt động, anh Lưu nói: “Sau khi biết được thông tin hoàn cảnh cần giúp đỡ, tôi liên hệ để đến nhà hoặc đến bệnh viện khảo sát thực tế, liên hệ địa phương để xác minh. Sau đó, tôi đăng lên Facebook cá nhân. Tôi thấy như thế nào thì viết lại y như vậy. Rồi tôi tổng kết lại và đại diện các mạnh thường quân trao tiền đến các bệnh nhân. Số tiền đó tôi đều công khai, minh bạch trên bài đăng. Tôi may mắn được mọi người tin tưởng, trao gửi. Số tiền mình trao đến tay bệnh nhân cũng được nhiều, tôi mừng lắm”.

“Việc tắm rửa, dọn dẹp vệ sinh cá nhân cho người xa lạ đơn thuần chỉ xuất phát từ tình thương, tôi thấy đó là chuyện bình thường, giúp vì thương thôi. Tôi nghĩ số phận họ đã khắc khổ lại còn lâm vào tình cảnh đáng thương như vậy. Chẳng may, nếu mình rơi vào hoàn cảnh đó thì sao nên tôi cứ làm thôi” – anh Lưu vui vẻ nói.

Làm từ thiện chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, bao nhiêu năm anh Lưu vẫn bền bỉ một thân một mình giúp đời, bằng tình thương và sự tin tưởng của những tấm lòng hảo tâm. Anh tâm sự: “Khó khăn lớn nhất của việc làm từ thiện chính là lời ra tiếng vào của người khác. Có người nghĩ tôi vì lợi ích riêng, còn bệnh nhân nhiều người sợ tôi lừa gạt, không tin tưởng. Nhiều lúc tôi áp lực lắm, bởi một số cá nhân có lòng tham giả danh tôi để đi lừa gạt, tôi chỉ cảnh báo cho mọi người được biết. Chỉ cần mình thật lòng, những người xung quanh chắc chắn sẽ cảm nhận được”.

Theo anh Lưu, điều tạo động lực khiến anh tiếp tục trên hành trình thiện nguyện đó là nụ cười, niềm hạnh phúc của bệnh nhân, những ao ước của họ được anh hoàn thành, níu lại sự sống cho nhiều mảnh đời. Cốt lõi vẫn là làm sao để anh đem đến cơ hội mới trong hành trình cuộc đời của họ.

Theo plo.vn