Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cho biết giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tiếp tục tăng tháng thứ chín liên tiếp, làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn ở các nước nghèo.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), giá lương thực, thực phẩm toàn cầu đã tiếp tục tăng vọt trong tháng thứ chín liên tiếp, đạt mức cao nhất trong sáu năm qua vào tháng 2 vừa rồi, đài RT đưa tin.
Đại diện FAO hôm 7-3 cho biết chỉ số giá thực phẩm đã tăng 2,4% so với tháng 1, đạt 116,0 điểm vào tháng 2.
Máy đo theo dõi những thay đổi hàng tháng trong giá quốc tế của các mặt hàng thực phẩm cũng cho thấy chỉ số cao hơn 26,5% so với một năm trước đó.
Lần tăng này đã trở thành khoảng thời gian giá thực phẩm tăng lâu nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng lương thực xảy ra vào năm 2007-2008. Theo FAO, giá đường tăng cao nhất, thêm 6,4% so với tháng 1. Chỉ số giá đường đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, đạt mức cao nhất trong gần bốn năm qua.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cho biết giá lương thực, thực phẩm toàn cầu đã tăng vọt trong tháng thứ chín liên tiếp. Ảnh: TWITTER
Giá dầu thực vật có mức tăng trưởng gần như tương tự, chạm mức cao nhất kể từ tháng 4-2012. Dầu cọ, đậu nành, cải dầu và hạt hướng dương đều trở nên đắt hơn do nhiều yếu tố như lo ngại về mức tồn kho thấp ở các nhà xuất khẩu đến triển vọng sản xuất thấp hơn dự kiến trong năm nay.
“Chúng tôi nhận thấy tình trạng một số quốc gia có sản lượng lớn hơn, nhưng cũng có nhu cầu nhập khẩu tăng cao. Đây có thể là gốc rễ của mức tăng giá lương thực, thực phẩm gần đây” – chuyên gia kinh tế tại FAO – bà Shirley Mustafa nói.
Theo chuyên gia kinh tế của FAO, sản lượng cao hơn ở một số quốc gia có thể không đủ để bù đắp nhu cầu nhập khẩu tăng cao của các quốc gia khác, RT cho hay.
“Giá thực phẩm toàn cầu tăng cao hơn nữa thực sự có thể làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn kinh tế do đại dịch gây ra, đặc biệt là đối với một số nhóm dễ bị tổn thương” – bà Mustafa nhận định.
Theo ước tính của FAO, khoảng 45 quốc gia, trong đó có 34 quốc gia ở châu Phi và chín quốc gia ở châu Á, “đang cần sự hỗ trợ từ bên ngoài để có lương thực do xung đột, khủng hoảng liên quan đến biến đổi khí hậu và hậu quả từ sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Theo Báo Pháp Luật