Các tác phẩm hội họa được in lên những chiếc đĩa khiến ai sử dụng nó để đựng thức ăn cũng không nỡ bỏ thừa.
trạng lãng phí thực phẩm vẫn diễn ra mỗi ngày trên thế giới, dù người ta có được cảnh báo về vô số những hệ quả xấu do nó gây ra. “Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra.” Có những người coi việc bỏ thừa thức ăn là chuyện nhỏ, thì ở đâu đó, vấn đề thiếu lương thực, thực phẩm lại trở thành quốc nạn. Trong khi nhiều người ăn uống ê hề, thừa mứa ở các nhà hàng buffet, thì lại có thêm hàng triệu đứa trẻ ở Châu Phi chết đói.
Cùng chung tay hưởng ứng chiến dịch chống lãng phí thực phẩm, mới đây, một nhóm các nhà hội họa hoạt động tự do trên diễn đàn artpeople.net là Baher Raouf, Jyo John Mulloor, Vlad Tănăsescu và Ratheesh R đã cho ra đời những chiếc đĩa chống lãng phí thực phẩm thiết thực hơn ngàn lời kêu gọi suông như thế này đây!
Hiệu ứng hình ảnh ấn tượng đến ám ảnh của chiếc đĩa.
Các họa sĩ gọi những chiếc đĩa này là “Chiếc đĩa đói khát”, một trong những dự án thuộc chiến dịch Chống lãng phí thực phẩm toàn cầu. Họ vẽ lại cảnh tượng những người dân thiếu ăn vòng xung quanh vành đĩa, một vài người giơ bàn tay đói khát ra như thể cầu xin chút thức ăn thừa mà người ta bỏ lại.
Rất nhiều người không có thức ăn để ăn, tại sao chúng ta lại bỏ phí?
Những hình ảnh này đã thực sự ám ảnh người xem. Đặc biệt là khi các họa sĩ cố tình để lại vài mẩu thức ăn thừa trên đĩa. Từ giác quan thị giác, người xem bị tác động mạnh đến trái tim và suy nghĩ của mình. Khi chúng ta có thức ăn để ăn, hãy trân trọng nó. Dù đó chỉ là một mẩu nhỏ với chúng ta nhưng rất có thể nó là cả bữa ăn thịnh soạn với nhiều người.
Khuôn mặt đói ăn khát uống của những người sắp chết đói ở Châu Phi được các họa sĩ khắc họa chi tiết và gây xúc động mạnh.
Nếu những chiếc đĩa này sớm được bày bán trên thị trường, chắc chắn không ai nỡ bỏ thừa thức ăn nữa.
Hình ảnh trẻ em Châu Phi thiếu cái ăn ám ảnh người xem.
Quay trở lại với các số liệu đáng giật mình từ nhiều nguồn thống kê, chúng ta khó lòng có thể tưởng tượng nổi tại sao có quá nhiều thực phẩm bị lãng phí như thế. Theo thống kê của Bộ Môi trường Hồng Kông, trong năm 2009, người Hồng Kông thải trung bình hơn 8.900 tấn rác thải rắn mỗi ngày, trong đó khoảng 3.200 tấn (chiếm 37%) là thức ăn thừa. Điều đó cũng có nghĩa, một người ở đây vứt đi khoảng 0,5kg thức ăn mỗi ngày.
Năm 2012, người ta đã thống kê được con số trung bình chúng ta lãng phí tới khoảng 40% lượng lương thực và thực phẩm trong quá trình vận chuyển từ trang trại tới bàn ăn. Nếu tính tất cả lại thì tổng lượng thực phẩm lãng phí lên tới 1,3 triệu tấn mỗi năm.
Người nghèo phải đi nhặt nhạnh từng mẩu thức ăn thừa còn sót lại trên phố.
Một điều tra của tổ chức môi trường “Người bạn của Trái đất” phát hiện ra rằng, mỗi bữa tiệc cưới thải ra khoảng 105kg thức ăn thừa, trong đó có những món ăn không hề được thực khách đụng đũa vào. Ước tính khoảng 1/3 lượng thực phẩm được các hộ gia đình mua về mỗi năm được đổ vào thùng rác và việc lãng phí thức ăn càng tệ hơn vào các mùa lễ hội như năm mới, Giáng sinh…
Điển hình như người dân Úc, mỗi năm, nước này mất khoảng 5,2 tỷ đô Úc (khoảng 74.360 tỷ VNĐ) cho thức ăn thừa, nhiều hơn cả ngân sách chi tiêu cho quốc phòng trong nước năm 2012.
Theo những thông tin gần đây nhất, dựa trên đánh giá của FAO, tại châu Âu, tỉ lệ thực phẩm bỏ phí đang ở mức 40%, đủ để nuôi sống 200 triệu người. Cònở Ý, khoảng 5 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm khiến kinh tế thiệt hại đến 13,4 tỉ USD, tương đương 1% GDP.
Thức ăn bị bỏ thừa không chút thương tiếc.
Sự lãng phí thực phẩm này trên toàn thế giới đã gây thiệt hại đến 940 tỉ USD/năm. Một điều nghịch lý là cho dù nhiều thức ăn bị lãng phí nhưng vẫn có đến 800 triệu người trên thế giới đi ngủ với cái bụng rỗng tuếch mỗi đêm.
Theo Kênh 14