Hai năm nay, sư thầy Thích Thánh Phước trở thành cứu tinh của sinh viên, người lao động nghèo trong làng đại học thuộc Đại học Quốc gia với quán cơm 0 đồng và dãy trọ miễn phí vừa đi vào hoạt động.
Mở quán 0 đồng với 0 đồng trong tay
Giữa trưa, nắng gắt trùm lên mái tôn của tiệm cơm 0 đồng Sen Tâm ở đường Vành Đai, TP Dĩ An, Bình Dương, thầy Thích Thánh Phước đang đảo chảo thức ăn lớn trong bếp, mồ hôi ướt đẫm lớp áo lam. Bên ngoài, một số sinh viên phụ thầy chia cơm vào hộp, dọn bàn và rửa chén…
“Các bạn sinh viên này ban đầu chỉ đến ăn cơm chay, sau đó đã quay lại hỗ trợ, giúp việc vặt trong quán vì biết tôi chỉ có một mình. Đến đây chuẩn bị những phần cơm là các bạn đã gieo duyên lành, bớt đi khoảng thời gian rảnh rỗi tụ tập hoặc tham gia những hoạt động không lành mạnh”, thầy Thích Thánh Phước nói.
Nhà sư gốc ở Hậu Giang, xuất gia năm 2009, khi đang là sinh viên năm 2 của một trường đại học ở Sài Gòn. Năm 2017, sư thầy ra Hà Nội, trụ trì một ngôi chùa nhỏ ở xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa. Đầu năm 2020, sư thầy trở lại Sài Gòn học để trở thành một giảng sư. Ngoài việc tu tập ở chùa, sư thầy cũng thường theo dõi những việc làm thiện nguyện của nhiều Phật tử trên báo và mạng xã hội.
“Thấy nhiều người làm những điều tích cực, hướng thiện, giúp cho cuộc đời trở nên đẹp, thiện hơn nên tôi cũng tâm niệm một có thể làm gì đó để giúp đời”, sư thầy nói.
Tình cờ một hôm, có một vị Phật tử tìm đến và chia sẻ muốn sang lại quán cơm chay để thầy mở quán 0 đồng với giá 30 triệu đồng. Không có nhiều tiền trong người, nhưng muốn “giúp đời” như tâm nguyện bấy lâu, sư thầy “đánh liều” vay tín chấp số tiền đó.
“Bản thân khi thấy việc làm tốt thì phải lăn xả, quyết tâm thực hiện, không mong cầu ai đó sẽ giúp mình. Thấy mình làm được, nhiều người mới tin tưởng để cùng chung tay”, thầy Thích Thánh Phước nói và cho biết đó là lý do để thầy quyết tâm mở quán.
Quyết định chọn làng đại học, nơi tập trung nhiều sinh viên để mở quán chay miễn phí, sư thầy mong muốn sẽ hỗ trợ được phần nào cho những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Trải qua nhiều đợt bùng phát dịch Covid -19, quán cơm còn là địa chỉ quen thuộc của công nhân, người lao động nghèo quanh khu vực.
Để có thêm kinh phí, sư thầy cùng một số bạn sinh viên thường đến ăn cơm chay lập nên một nhóm thiện nguyện, đi bán kẹo vào ban đêm để gây quỹ. Thứ 7 hàng tuần, thầy thích Thánh Phước đến chợ nông sản Thủ Đức, mượn chiếc xe kéo nhỏ đi bộ khắp chợ xin rau củ từ các tiểu thương để nấu cơm. Có hôm xin được nhiều, thầy đặt trước quán ăn để người dân và sinh viên đến lấy miễn phí. Cạnh đó, thầy đặt một thùng tùy tâm để ai có lòng thì ủng hộ vài nghìn, cuối tháng lấy ra để trả tiền điện, nước.
Năm ngoái, suốt nhiều tháng giãn cách xã hội, sư thầy đã xin được hơn 100 tấn rau củ quả và 30 tấn gạo từ các nhà hảo tâm, chuyển về phát cho mọi người. Thời điểm đó, mỗi ngày có hơn chục người đến phụ quán, thầy nấu được 500 suất cơm chay tặng cho sinh viên và bà con trong khu vực.
“Sau một thời gian hoạt động, nhiều nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ tôi trả hết khoản tiền vay tín dụng”, thầy bộc bạch.
Đã lo ăn lại còn lo ở
Vốn xuất thân trong một gia đình thuần nông, không giống nhiều sinh viên khác, sư thầy lên Sài Gòn làm thuê 3 năm rồi mới bắt đầu thi đại học. Từng trải qua thời gian khó khăn, nên khi quán cơm chay đã hoạt động ổn định, sư thầy quyết định thuê thêm mảnh đất trống bên cạnh để dựng dãy trọ rộng gần 100m2 với 5 phòng, đủ cho 10 sinh viên ở miễn phí.
Dãy trọ được khởi công từ trong Tết, nhưng vì không có nhiều kinh phí thuê thợ, hầu hết tự làm nên đến nay mới hoàn thiện. Sư thầy trang bị giường tầng, bàn học, ấm đun nước… sinh viên chỉ việc dọn vào ở mà không cần sắm sửa gì thêm.
Hoàng Minh Hiếu, sinh viên năm cuối trường đại học Hutech cho biết, trước đây thỉnh thoảng có đến quán chay Sen Tâm để ăn cơm. Đến đợt dịch năm ngoái, khi bị kẹt lại Sài Gòn, Hiếu nhận thêm nhiều sự giúp đỡ từ sư thầy.
Tuần trước, Hiếu thấy bài đăng về nhà trọ miễn phí của thầy trên Facebook nên đã đến xin ở.
“Thầy chỉ nhận sinh viên nam, cùng thầy ăn chay và có thể tham gia các chương trình thiện nguyện khi rảnh rỗi”, chàng trai quê Thái Bình chia sẻ.
Nhiều người hỏi sư thầy: “Lo ăn được rồi sao còn lo ở nữa chi cho cực thân”?
Những lúc như thế, thầy Thích Thánh Phước lại nhớ đến quãng thời gian trước khi xuất gia của mình, vì phải mưu sinh nên việc học bị gián đoạn. Thế nên, sư thầy không muốn có bạn sinh viên nào vì hoàn cảnh khó khăn mà bỏ học.
Diễm Trinh, sinh viên trường Đại học KHXH & NV cho biết, nhờ ăn cơm ở quán 0 đồng gần 1 năm nay mà tiết kiệm được chi phí khi học xa nhà. Mấy tháng nay, Trinh theo chân nhiều bạn trong trường đến quán phụ việc mỗi khi trống tiết.
“Cuối tuần, thầy và nhóm sinh viên bọn em còn nấu một nồi cháo lớn với gần 200 suất để tặng cho những người vô gia cư ăn đêm”, Trinh cho biết.
Sư thầy cho biết, bản thân là một nhà sư, không được ở trong chùa tu tập là một thiệt thòi. Nhưng thay vì mang những đạo lý của nhà Phật truyền lại cho Phật tử thì việc tiếp xúc và trò chuyện với nhiều sinh viên bên ngoài cũng là một cách để thầy gieo những duyên lành. Bởi vậy, ngoài việc cùng thầy nấu cơm mang niềm vui cho nhiều người khác, các bạn trẻ còn được thầy chia sẻ những hướng đi, cách giải tỏa áp lực, căng thẳng trong cuộc sống.
Trước đây ở trong chùa, sư thầy không phụ trách việc nấu ăn mà chỉ lo việc dọn dẹp, rửa chén. Từ khi mở quán, thầy bắt đầu học nấu thêm nhiều món, mỗi ngày lại suy nghĩ, sáng tạo cách nấu khác nhau từ một nguyên liệu để đa dạng thực đơn.
Đứng bếp nấu hơn chục món mỗi ngày khiến đôi khi sư thầy cũng thấy đuối sức. Nhưng khi trao đi những phần cơm, thấy nụ cười đáp trả, thầy chia sẻ, như quên hết mệt nhọc.
“Đạo Phật lấy lòng từ bi hỉ xả làm gốc nên tôi thấy niềm vui của chúng sanh là niềm vui của chính mình. Tôi mong một ngày sẽ có ai đó thật sự tâm huyết với quán chay này, tiếp nối công việc tôi đang làm. Khi đó, tôi sẽ bàn giao tất cả, không cần lấy lại một đồng nào và sẽ quay về chùa, tiếp tục con đường tu tập của mình”, sư thầy nói, cười hiền lành…
Theo Báo Dân Trí