Là một trong những nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, thế nhưng Ấn Độ vẫn chưa hoàn thành mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Quốc gia này đang bị xếp trong nhóm 44 nước có tỷ lệ nghèo đói ở mức độ nghiêm trọng. Do đó xóa đói, giảm nghèo đang trở thành nhiệm vụ hàng đầu đối với Chính phủ Ấn Độ.
Nhiều người suy dinh dưỡng nhất thế giới
Vừa qua, Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) và hai tổ chức phi chính phủ Concern Worldwide, Welthungerhilfe công bố Chỉ số đói nghèo toàn cầu (GHI), trong đó nêu lên thực trạng đói nghèo trên thế giới năm 2017. Báo cáo nhấn mạnh đến các khu vực cần thiết nhất phải hành động để giải quyết nạn đói trong số 119 nước được đánh giá. Ngoài các nước châu Phi như Trung Phi, Sudan, Zambia, Chad, Yemen,… có chỉ số đói nghèo ở mức đáng báo động, thì nhiều quốc gia châu Á cũng nằm trong phạm vi đói nghèo nghiêm trọng.
Ấn Độ với dân số hơn 1,3 tỷ người, đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế rõ rệt trong những năm gần đây. Phát triển kinh tế và công nghiệp đã góp phần đưa sản lượng lương thực tăng gần gấp hai lần trong hai thập kỷ qua. Hiện quốc gia này là địa chỉ sản xuất lúa gạo lớn thứ hai, chỉ đứng sau Trung Quốc. Tuy nhiên, dù năng suất lúa gạo tăng cao nhưng tình trạng đói nghèo ở Ấn Độ vẫn bị xếp hạng ở mức “nghiêm trọng”.
Trong Báo cáo An ninh lương thực thế giới năm 2017 của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của LHQ (FAO), Ấn Độ có 190,7 triệu người suy dinh dưỡng, tương đương 14,5% dân số. Với tỷ lệ này, Ấn Độ là quốc gia có số người suy dinh dưỡng nhiều nhất trên thế giới. Ngoài ra, khoảng 51,4% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi) bị thiếu máu, 38,4% số trẻ em dưới năm tuổi gầy yếu hoặc thấp còi. Trẻ bị suy dinh dưỡng có nguy cơ tử vong cao do các bệnh như tiêu chảy, viêm phổi và sốt rét. Vì vậy, năm 2017, Ấn Độ được xếp hạng 100 trong số 119 quốc gia trong bảng đánh giá GHI, tụt ba bậc so năm 2016.
GHI được xây dựng dựa trên các chỉ số như tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ gầy yếu, thấp còi và tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi. Về bản chất, chỉ số đói nghèo chính là tiêu chí xếp loại về mức độ suy dinh dưỡng và thiếu dinh dưỡng trên tổng dân số của một quốc gia. Như vậy, trong một năm qua, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em bị suy dinh dưỡng ở Ấn Độ không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng. Nghịch cảnh kinh tế phát triển nhưng dinh dưỡng kém đang đặt ra bài toán hóc búa đối với giới chức nước này.
Mặt trái của tăng trưởng
Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới, sau Pháp và đứng trước Italia. Nằm trong khu vực Nam Á phát triển nhanh nhất toàn cầu, quốc gia này đang nắm nhiều lợi thế để tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Dự kiến đến năm 2024, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Trên thực tế, Ấn Độ là đất nước có dân số hàng đầu, nhưng lại không tận dụng được lợi thế này. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hơn 30% dân số trẻ ở quốc gia Nam Á này thuộc nhóm đối tượng “ba không”: không việc làm, không giáo dục và không được đào tạo.
Do đó, chất lượng cuộc sống của phần lớn thanh, thiếu niên còn rất thấp. Đặc biệt là các chính sách phúc lợi xã hội đối với phụ nữ, trẻ em chưa tương xứng tốc độ phát triển kinh tế. Việc bị xếp hạng đói nghèo ở mức nghiêm trọng có nguyên nhân một phần bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng đối với phụ nữ nói chung, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ nói riêng.
Ở nhiều địa phương tại Ấn Độ, hủ tục và tập quán cũ còn nặng nề. Trong bữa ăn, phụ nữ là người phải ăn sau cùng trong gia đình, thậm chí nhiều khi họ không còn gì để ăn. Dinh dưỡng nghèo nàn, thiếu kiến thức về chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh dẫn đến trẻ mới sinh không bảo đảm cân nặng hoặc trẻ sinh ra thiếu tháng. Ngoài ra, bệnh tiêu chảy lan rộng khiến trẻ em lại càng còi cọc hơn, tình trạng mất vệ sinh ở nhiều khu vực dễ gây bệnh tật và tỷ lệ tử vong tăng cao.
Tháng 9 vừa qua, câu chuyện về cô bé Santoshi Kumari, 11 tuổi bị chết đói được đăng tải trên tờ Indian Express, đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đói, suy dinh dưỡng và mất vệ sinh ở các “khu ổ chuột” của Ấn Độ. Santoshi Kumari sống ở làng Jharkhand, ngoại ô Thủ đô New Dehli. Mẹ em cho biết cô bé đã không có gì ăn vì trong nhà hết lương thực từ sáu tuần qua. Do đã cạn sạch tiền, lại không được cấp thẻ trợ cấp người nghèo, nên mẹ của Santoshi không được nhận lương thực trợ cấp tại các trung tâm hỗ trợ của địa phương.
Mặc dù vậy, giới chức địa phương phủ nhận nguyên nhân cái chết của Santoshi là do bị bỏ đói. Họ cho rằng cô bé chết vì mắc bệnh sốt rét. Một cuộc điều tra được tiến hành để tìm nguyên nhân tử vong của Santoshi, song mọi chuyện đều đã muộn. Vẫn còn hàng triệu đứa trẻ ở Ấn Độ đang đối mặt nguy cơ tử vong sớm vì có thể mắc các chứng bệnh nguy hiểm mà khó qua khỏi do thể trạng yếu kém và suy dinh dưỡng.
Tình trạng lãng phí thực phẩm trong xã hội cũng là rào cản lớn khiến các nỗ lực giảm nghèo của Ấn Độ đi chậm lại. Trong khi lương thực làm ra thừa cung ứng cho người dân ở tầng lớp trên, thì người nghèo lại khó tiếp cận lượng thực phẩm dư thừa đó. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ chỉ ra rằng, gần 40% giá trị sản xuất lương thực hằng năm của Ấn Độ bị lãng phí, nguyên nhân là bị hỏng do thiếu kho chứa và phương tiện vận chuyển, hoặc bị chuột và côn trùng phá hoại…
Vì vậy, một trong các ưu tiên của Chính phủ Ấn Độ trong cuộc chiến xóa bỏ nạn đói là phải ngăn chặn lãng phí lương thực trong tất cả các khâu, từ quá trình sản xuất, chế biến, bán lẻ và tiêu thụ. Bên cạnh trợ giá lương thực cho người nghèo, cần phải có những nỗ lực cải cách toàn diện trong hệ thống. Chính quyền địa phương cũng đứng trước những đòi hỏi cao hơn để đáp ứng cam kết về y tế, giáo dục và xây dựng cơ sở hạ tầng. Để xóa đói, giảm nghèo, loại bỏ bất bình đẳng và thay đổi những suy nghĩ trong tập quán cũ ở các làng mạc, khu vực nông thôn thì việc cần làm đầu tiên là đầu tư cả về giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Các chuyên gia của FAO cho rằng, trước hết chi tiêu công của chính phủ cần tập trung thực chất hơn cho mục tiêu chống đói nghèo. Chi ngân sách cho nông nghiệp không chỉ nhằm tăng năng suất mà còn phải tạo công ăn việc làm bền vững và cơ hội kinh doanh hiệu quả, giúp bảo đảm thu nhập cho người dân thông qua tăng trưởng kinh tế.
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Ấn Độ cao đáng báo động. Ảnh: JOURNALS CAMBRIDGE
Theo báo Nhân Dân