Một nhóm người ở Mỹ thực hiện chuyến đi lọc rác tại các cửa hàng thực phẩm, họ tìm thấy rất nhiều thực phẩm còn tươi và ăn được.

Ảnh: Thanh Thương.

Nhưng vấn đề rác thải thực phẩm ở Mỹ không dừng lại ở số lượng thực phẩm bị lãng phí do gắn nhãn thời hạn sử dụng không chính xác. Bên cạnh đó còn có các loại thực phẩm bị các cửa hàng thực phẩm, nhà hàng và người tiêu dùng vứt bỏ đi dựa trên đánh giá hình thức bên ngoài mà không cân nhắc đến mùi vị và độ tươi mới thực sự của chúng.

Một số cửa hàng thậm chí còn cố tình vứt bỏ thực phẩm. Hằng đêm họ lại vứt đi một lượng lớn thực phẩm vẫn còn tươi bởi vì kế hoạch của họ là dự trữ một khối lượng hàng hóa lớn hơn so với số lượng bán ra. Quan điểm phổ biến cho rằng người mua hàng thích trông thấy những đống lớn quả bơ, cà chua, quả đào, và quả lê với hình dáng đẹp mắt, không có những vết thâm đen và rằng chúng ta sẽ có xu hướng mua nhiều hơn khi đứng trước cảnh tượng hấp dẫn đó.

Dự trữ dư thừa cũng phổ biến đối với các loại cá đến mức theo một cuộc khảo sát, 26% số cá dự trữ ở Mỹ không hề được bán, bất chấp thực tế rằng 90% lượng cá được bán ở Mỹ đều là cá nhập khẩu, trong đó có một phần không nhỏ có xuất xứ từ châu Á và đã phải vượt cả một chặng đường dài hàng nghìn ki-lô-mét để đến được nước Mỹ.

Doug Rauch, cựu chủ tịch của chuỗi bách hóa thực phẩm Trader Joe’s, lý giải lối tư duy của các cửa hàng thực phẩm như sau: “Nếu một cửa hàng có lượng rác thải ít, đây có thể là dấu hiệu cho thấy lượng hàng dự trữ của họ không đủ và điều đó sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng”. Chính vì cách suy nghĩ này mà các cửa hàng phải chịu những tổn thất đáng kể về lợi nhuận, đặc biệt là khi đặt trong bối cảnh biên lợi nhuận trung bình của một chuỗi bách hóa thực phẩm chỉ dao động trong khoảng 1-3%.

Tuy nhiên, khi chuỗi siêu thị Stop and Shop thực hiện một phân tích về hiệu quả của việc chấm dứt cách trưng bày chất đống các sản phẩm thực phẩm dễ hư hỏng, họ phát hiện ra rằng trên thực tế khách hàng lại thích cách trình bày nhỏ gọn bởi vì như vậy, các mặt hàng sẽ tươi mới hơn nhiều; thực ra là tươi hơn đến ba ngày.

Sau khi thay đổi cách thức trưng bày, mỗi năm chuỗi siêu thị này tiết kiệm được 100 triệu USD. Các cửa hàng thực phẩm đang rút ra bài học rằng quan điểm ngộ nhận mà họ đã nhắm mắt tôn thờ suốt nhiều năm qua là hoàn toàn vô căn cứ, không có bất kỳ dữ liệu hay nghiên cứu đáng tin cậy nào hỗ trợ. Dữ liệu duy nhất nằm trên các bảng báo cáo lãi và lỗ của họ, qua đó cho thấy họ đã thiệt hại hàng triệu USD để mua những lượng lớn hàng hóa mà họ đã biết trước rằng mình không có khả năng bán hết và sau đó là số tiền mà họ phải chi ra để vận chuyển phần sản phẩm dư thừa này ra bãi rác.

Điểm mấu chốt của rác thải thực phẩm nằm ở cách chúng ta suy nghĩ về thực phẩm tươi hay còn đóng hộp; chúng ta nhìn nhận giá trị của chúng ra sao và chúng ta đề cao điều gì ở chúng. Có lẽ người hiểu rõ điều này nhất, hoặc biết rõ nhất việc chúng ta đã lãng phí vứt bỏ thực phẩm nhiều đến thế nào, là đội quân những người tìm kiếm thực phẩm thời hiện đại, những người tự xưng là freegan (Từ ghép giữa từ “free – miễn phí” và “vegan – người ăn chay”. Freegan là khái niệm chỉ những người thu thập và ăn đồ ăn dư thừa bị người khác vứt bỏ đi.

Thông thường, freegan là những người chống chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tiêu dùng, họ tìm cách sống mà không cần phải mua hàng hóa tiêu dùng, thay vào đó họ tái chế các sản phẩm bị vứt bỏ đi).

Một nhóm được tổ chức khá tốt ở Thành phố New York, chủ sở hữu của website Freegan.info, đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của công chúng về vấn nạn rác thải thực phẩm và tổ chức các chuyến đi freegan hàng tháng. Một người bạn của tôi là phóng viên từng tham gia vào chuyến đi của họ và sau đó cô ấy đã gọi điện cho tôi để chia sẻ về những điều mà cô được chứng kiến trong cuộc hành trình đó.

Tham gia trong đoàn hôm đó có khoảng 20 người thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, họ tập trung vào lúc 9 giờ tối ở Khu Thượng Tây Manhattan. Một số người trong đoàn là người mới tham gia lần đầu như bạn tôi, nhưng cũng có nhiều người là thợ tìm kiếm thực phẩm chuyên nghiệp, mỗi tuần đều đi vài tối. Một số người còn mang theo cả xe đẩy, khiến bạn tôi không khỏi ngạc nhiên. Liệu họ có thực sự tìm được nhiều thực phẩm còn tươi mới vẫn đang được đóng hộp như vậy không?

Các chuyến đi bắt đầu vào lúc 9 giờ bởi vì hầu hết cửa hàng thực phẩm đều đem rác ra ngoài đổ vào giờ này, nhưng phải một vài giờ nữa xe chở rác mới tới thu dọn. Một thành viên đứng ra giải thích các quy định nghiêm ngặt của đoàn khi đi tìm kiếm thực phẩm: Không được xé rách túi đựng rác, mà chỉ được phép tháo nút buộc, bởi vì đoàn không muốn tạo thêm vấn đề khác về rác thải.

Người nào phát hiện được điều gì thú vị phải hô to lên những gì họ tìm thấy để những người quan tâm đến chúng có thể đến lấy. Và người trưởng nhóm đã rất đáng yêu khi đưa ra một túi đựng đầy những chiếc găng tay lẻ đôi mà cô thu gom được rồi hỏi ai cần găng tay. Bạn tôi lấy một đôi, bởi vì họ sắp phải đi lục lọi những túi đựng rác.

“Ron ạ, các túi rác đều được buộc thắt nút tới ba lần,” cô kể lại cho tôi nghe như vậy. “Vì sao lại thế? Buộc nhiều vòng như vậy rất khó cởi ra”. Các cửa hàng muốn gây khó dễ cho những người tìm kiếm thực phẩm, bởi vì họ không thích khách hàng trông thấy cảnh những người đó sục sạo tìm kiếm trong những túi rác của mình.

Chuyến đi đã có một vài khám phá đáng ngạc nhiên. Bạn tôi tìm được một túi đựng đầy xà lách lá dài, khi cô nhìn kỹ thì thấy tất cả đều vẫn còn rất tươi và lá vẫn chưa ráo nước rửa. “Vì sao họ lại vứt chúng đi như vậy chứ?” cô thắc mắc. Khách hàng thích rau xà lách cỡ nhỏ để có thể đưa vào trong tủ lạnh mà không sợ hỏng; vì thế các cửa hàng ngắt phần lá ngoài ra rồi vứt đi.

Đoàn cũng tìm được một túi đựng đầy các hộp ngũ cốc đặt trước cửa một cửa hàng thực phẩm tự nhiên, trong đó có cả loại đại mạch tím đắt đỏ, vốn là một chủng loại thực vật đã gần như tuyệt chủng. Ngũ cốc khô vốn có thời hạn sử dụng rất lâu dài, vì sao chúng lại bị vứt đi như vậy? Các mốc thời hạn về hạn chót bán không phải là yếu tố quyết định duy nhất khi dọn dẹp kệ bày hàng. Dọn dẹp hàng tồn kho cũng là một hoạt động phổ biến.

Thực ra, đây thường là yêu cầu của các thương hiệu, bởi vì các thương hiệu này ký kết những thỏa thuận chi tiết với các cửa hàng trong đó quy định rõ những mặt hàng mà cửa hàng dự trữ, vị trí, và thời gian dự trữ. Điều khiến bạn tôi cảm thấy đặc biệt bất mãn là tất cả các hộp đó đều bị rạch bung ra. Tôi giải thích cho cô hiểu rằng thông thường, các cửa hàng yêu cầu nhân viên của họ rạch bung các bao bì sản phẩm ra như vậy, coi như là một bước nữa để làm nản lòng những người tìm kiếm thực phẩm.

Bạn tôi còn kể rằng đoàn của cô cũng tìm thấy một xe đẩy bên trong chứa đầy các loại rau quả vẫn đang trong trạng thái rất tốt và một túi lớn đựng những chiếc bánh vòng mới làm. Đó là những thành phần chính trong nguồn rác thải từ các cửa hàng, ngoài ra còn có bánh mì, sữa chua, pho mai, cùng rất nhiều loại thịt và cá.

Buổi tối hôm sau, một nhóm gồm 15 người tập trung nhau lại để cùng thưởng thức những thứ họ đã tìm kiếm được. Sau khi gọt, thái, và trộn lẫn các loại hoa quả, họ xay được mấy đợt sinh tố – đây là một món ăn chủ đạo của các freegan. Thành quả mà họ thu thập được bao gồm hai đĩa cơm và một đĩa đại mạch tím, bên cạnh đó là rất nhiều cà chua, cà rốt, củ cải, xúc xích đậu phụ, giá đỗ và súp lơ – với một chút nhiệt từ một loại nước xốt bí ẩn của Hàn Quốc (bởi vì không hề có nhãn dán phụ bằng tiếng Anh) mà họ tìm được hàng chục chai từ một cửa hàng thực phẩm châu Á, dùng kèm với một đĩa lớn salad, một đĩa lớn bánh mì và hơi kỳ quặc một chút, một can đựng xốt nam việt quất cô đặc.

Theo Zingnews.vn