Chọn kinh doanh sản phẩm xanh thông qua tái chế rác thải, 2 cô gái khiếm thị tại TP.HCM đã góp phần bảo vệ môi trường, tạo thêm việc làm cho những mảnh đời yếu thế.

Nguyễn Thị Minh Thư (27 tuổi) và Nguyễn Thị Phương Linh (25 tuổi) là đôi bạn khiếm thị. Thư bị hỏng hoàn toàn một bên mắt trái, mắt phải chỉ còn khoảng 4/10 thị lực, Linh thì thị lực chỉ đạt 2/10. 

Cả hai cùng nhau vận hành tiệm “tạp hóa xanh” tại TP.HCM. Đây là địa điểm thu hút sự quan tâm của nhiều tín đồ yêu lối sống xanh với những sản phẩm tiện lợi, xinh xắn được làm từ vật liệu thân thiện môi trường.

'Tạp hóa xanh' từ rác thải của 2 cô gái khiếm thị ở TP.HCM - 1
Minh Thư (trái) và Phương Linh tại “tạp hóa xanh”.

“Tạp hóa xanh” không rác thải

Đều đặn 7h sáng mỗi ngày, Phương Linh lại lên tuyến xe buýt quen thuộc dài hơn 20km từ nhà trọ ở quận 12 đến “tạp hóa xanh” không rác thải tại quận 1 để mở cửa đón chào những vị khách yêu thích lối sống xanh.

Với phương châm hạn chế tối đa sử dụng rác thải, những đồ dùng tại tiệm không đặt trên kệ gỗ, sắt thông thường mà được xếp gọn gàng lên những chiếc can nhựa đã tái chế.

Ở đây, các sản phẩm cá nhân như nước tẩy trang, xà bông, bàn chải tre, túi đi chợ hay sổ tay, túi xách… đều sử dụng nguyên liệu thiên nhiên nên rất an toàn cho sức khỏe người sử dụng và bảo vệ môi trường.

Ngoài tạo cuộc sống xanh ra, chúng tôi muốn tạo công ăn việc làm cho những bạn khuyết tật. Một số bạn có việc làm nhưng thường bị phân biệt, không được tôn trọng cũng như không có thu nhập ổn định. Ở đây thì chúng tôi có hợp đồng lao động và có cả chế độ về sau”, chị Linh chia sẻ. 

'Tạp hóa xanh' từ rác thải của 2 cô gái khiếm thị ở TP.HCM - 2
Khách hàng ghé cửa hàng mua các sản phẩm tái chế.

Linh và Thư thường xuyên tổ chức các buổi workshop, các chương trình đổi chai nhựa, chai thủy tinh, can nhựa… Đặc biệt đầu tháng 6/2022, cửa hàng cũng triển khai chiến dịch “đổi bao nilon lấy nông sản” và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi với hơn 100 người tham gia. “Chiến dịch này là một hoạt động trong dự án tái chế bao nilon tạo việc làm cho người yếu thế”, Linh chia sẻ.

Cụ thể với hai kg bao nilon khách hàng sẽ đổi lấy nửa ký nông sản các loại như cà chua, dưa leo, rau muống… 

Bao nilon sau khi nhận từ khách sẽ được phân loại thành hai dạng là thường và tự phân hủy. Với bao nilon thường cửa hàng chuyển đến cho các bạn khuyết tật tại Nhà May Mắn. Đây là ngôi nhà chung tại quận Bình Tân, TP.HCM cưu mang những người khuyết tật, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Sau khi được chuyển đến đây, bao nilon sẽ cắt thành những sợi nilon dài và dệt ra những sản phẩm như túi tote, túi laptop, ví… Còn bao nilon phân hủy, cửa hàng sẽ chuyển cho một số đơn vị phụ trách tái chế lại để tạo túi đựng rác mới.

Lan tỏa giá trị bền vững

Bên cạnh việc bán các sản phẩm tái chế từ túi nilon, “tạp hóa xanh” của đôi bạn khiếm thị còn bán nhiều sản phẩm từ thiên nhiên. Theo Thư, khi sử dụng những sản phẩm từ thiên nhiên, nước thải ra môi trường sẽ không gây ô nhiễm.

Bánh gội là sản phẩm được cô đặc theo dạng sáp nên từ khâu sản xuất đến sử dụng đều tiết kiệm nước. Bao bì cũng thiết kế xếp thành hộp chứ không cắt ra để tránh thải khí CO2”, chị Thư nói.

'Tạp hóa xanh' từ rác thải của 2 cô gái khiếm thị ở TP.HCM - 3
 Khu vực refill dầu gội, nước rửa chén, nước giặt…

Đặc biệt, cửa hàng này khuyến khích khách hàng đem các chai, lọ có sẵn đến làm đầy bằng những sản phẩm xanh như dầu gội, nước rửa chén, nước giặt… Các sản phẩm này đều được sản xuất từ việc lên men mầm đậu nành nên rất an toàn với môi trường.

Là khách hàng thường xuyên mua sản phẩm từ “tạp hóa xanh”, Trần Huỳnh Trúc Linh (ngụ quận 11, TP.HCM) cho hay, các sản phẩm ở đây khá sáng tạo, thân thiện môi trường. 

Chúng vừa có lợi cho bản thân người sử dụng vừa bảo vệ môi trường nên tôi rất thích. Bảo vệ môi trường ngoài tuyên truyền bằng lời nói thì việc xây dựng những mô hình trải nghiệm là rất quan trọng”, Trúc Linh nói.

Theo Trúc Linh, ngoài các sản phẩm “xanh”, sự nhiệt tình của hai cô chủ nhỏ cũng là điều khiến bản thân đặc biệt ấn tượng. Mặc dù khiếm thị khiến Linh và Thư gặp khó khăn trong việc quan sát sản phẩm cũng như bán hàng. Thế nhưng cả hai luôn cố gắng quan tâm khách hàng, tư vấn kỹ càng từ thành phần đến công dụng của mỗi sản phẩm để những vị khách như Trúc Linh hiểu rõ hơn.

'Tạp hóa xanh' từ rác thải của 2 cô gái khiếm thị ở TP.HCM - 4
Nhiều bạn trẻ đem túi nilon tới đổi nông sản.

Trong tương lai, cửa hàng mong muốn có thể phủ sóng trên toàn bộ các quận, huyện ở TP.HCM để thuận tiện cho khách hàng khi mua sắm, đổi túi nilon lấy nông sản. Đồng thời, những người trẻ cũng đang nghiên cứu để đa dạng mặt hàng và hạ giá thành sản phẩm, từ đó lan tỏa lối sống xanh rộng rãi hơn. 

“Về lâu dài khi đầu ra ổn định, chúng tôi sẽ xây dựng xưởng để tạo thêm việc làm cho các bạn khuyết tật, giúp những người yếu thế trong xã hội có cơ hội phát triển bình đẳng hơn”, Linh bày tỏ. 

Theo vtc.vn