Tết tiết kiệm đang dần trở thành xu hướng của nhiều gia đình. Không mua quá nhiều bánh kẹo, không bày mâm cao cỗ đầy cả 3 ngày Tết để giúp giảm áp lực cho con cháu và cho chính những người mua mà vừa không gặp cảnh phải bỏ phí thực phẩm do không ai ăn kịp.
Từ ngày đơn giản hoá những mâm cúng cơm bữa, bà Phạm Thị Lan, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng đón Tết vui vẻ hơn. Bà cho biết năm nay “không phải dậy từ sáng sớm lo nấu nướng, đi chợ nữa, thực đơn các con đã ghi sẵn, thực phẩm đã được sơ chế sẵn hoặc có trong tủ lạnh mang ra làm rất nhanh. Bữa cơm cúng chỉ mất độ 45 phút đến 1 tiếng đồng hồ chuẩn bị là xong mà vẫn đủ đầy các món”.
Không riêng gì bà Lan, các con của bà cũng cảm thấy nhẹ nhàng vì sau bao nhiều năm “ám ảnh” Tết chỉ ở bếp, mẹ có thể được nghỉ ngơi nhiều hơn, có thời gian đi chơi Tết, qua thăm nhà con cái.
“Ngày nào rảnh buổi sáng thì tôi cúng cơm các cụ buổi sáng, con cháu về ăn sáng hoặc để đó đến trưa hâm nóng lại ăn. Bữa nào đi chùa hay đi thăm bà con buổi sáng thì tôi về nhà cúng cơm trưa, cơm chiều. Vì làm đơn giản, nhanh chóng nên không còn cảnh canh đồng hồ hay cứ phải ở nhà đợi giờ cúng” – bà Lan chia sẻ thêm
Không chỉ giảm áp lực, những mâm cúng đơn giản còn giúp tiết kiệm chi phí và đặc biệt là không lãng phí thực phẩm. Dọn mâm cao cỗ đầy nhưng con cháu ngày nay ai cũng có kế hoạch riêng, hẹn hò riêng, không ít lần gia đình nhà ông Trần Thanh Xuân, trú thị xã Điện Bàn, Quảng Nam phải để thực ăn sau khi hạ lễ cúng chật kín tủ lạnh.
“Ngày Tết thức ăn nhà nào cũng ê hề, đầu năm lại kiêng cử không mang qua nhà nhau nên có muốn cho ai cũng khó. Con cháu thì không về nên có năm thức ăn nhiều quá, bỏ chật tủ lạnh rồi nguội lạnh, phải mang đi bỏ” – ông Xuân nói.
Rút kinh nghiệm sau nhiều năm, ông Xuân dọn mâm cúng đơn giản, đảm bảo sự trang trọng, ấm cúng mời ông bà tổ tiên. “Rồi trước cúng sau mình ăn, bỏ thức ăn cũng là lãng phí, cũng chẳng vui vẻ gì nên tôi nghĩ ông bà cũng sẽ vui vẻ với mình thôi” – ông Xuân chia sẻ.
Nhiều người cũng chọn cách dự trữ thực phẩm cũng vừa phải, không còn lo mua đồ ăn chất đầy nhà. Bởi bây giờ siêu thị, chợ mở cửa sớm, đồ ăn cũng tươi ngon hơn và còn đổi món cho cả nhà.
Không riêng gì thực phẩm dùng cho việc cúng kính mà những món thiết đãi khách cho đến bánh kẹo cũng được nhiều gia đình lựa chọn đơn giản hoá.
Bà Lan chia sẻ: “Các món bánh truyền thống, thờ cúng thì tôi chọn mua chất lượng nhưng không quá nhiều vì bánh kẹo bây giờ rất nhiều loại mà con cháu trong nhà lại ít. Đồ ăn thiết đãi khách thì cũng chỉ tính toán trong 3 đến 5 ngày, vì giờ người ta cũng hẹn nhau ra quán nhiều”.
Chuẩn bị thực phẩm Tết gọn nhẹ, đơn giản giúp cho chính người mua và những thành viên trong gia đình giảm được áp lực, tiết kiệm chi phí và nhất là không lãng phí thức ăn sau 3 ngày Tết.
Theo laodong.vn