Sau khi nghỉ Tết, chị Đoàn Thị Ngân (quận Hà Đông, Hà Nội) mang lên từ quê 7 chiếc bánh chưng cùng giò, chả, bánh kẹo… Gần 10 ngày sau Tết, số thực phẩm này mới chỉ vơi đi một phần nhỏ…

Bánh chưng trong ngăn đá tủ lạnh của gia đình chị Đoàn Thị Ngân. Ảnh: NVCC
Bánh chưng trong ngăn đá tủ lạnh của gia đình chị Đoàn Thị Ngân. Ảnh: NVCC 

Theo chị Ngân, gia đình có ôtô nên trước khi lên Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết, bố mẹ chồng chị chuyển lên cho các con rất nhiều đồ ăn. “Nhiều đồ ăn quá, bố mẹ ở nhà không dùng hết được. Các con cứ cầm lên, bỏ vào tủ lạnh, rồi dùng dần” – mẹ chồng chị Ngân dặn.  

Sau khi mang đồ lên Hà Nội, chị để 1 chiếc bánh chưng ở ngăn mát, còn lại cho vào ngăn đá để bảo quản được lâu ngày. Món giò chị cũng chia như vậy.  

Một hai ngày đầu, vợ chồng chị Ngân cùng 2 con còn dùng bánh chưng, giò để ăn sáng. Để có đồ ăn nóng, dễ ăn, chị chịu khó rán bánh chưng, rán giò. Tuy nhiên, chỉ được một vài bữa, sau đó cả nhà… ngắc ngoải mỗi lần ăn. Đến thời điểm này, những chiếc bánh chưng và món giò vẫn nằm nguyên trong tủ lạnh.

Đối với bánh kẹo, dù các con rất thích ăn, nhưng lo ngại nếu dùng quá nhiều loại thực phẩm này sẽ gây hại sức khoẻ, nên đến nay, nhiều hộp bánh vẫn chất trong ngăn tủ của nhà chị Ngân.  

“Chồng tôi bảo nếu không ăn hết bánh chưng thì đổ đi, vì để lâu thực phẩm sẽ bị biến chất, không tốt cho sức khoẻ, nhưng tôi thấy tiếc, nên cứ giữ lại. Không biết khi nào cả nhà tôi mới dùng hết chỗ thực phẩm này” – theo chị Ngân.  

Hàng ngày, chị Ngân vẫn đi chợ để mua thực phẩm tươi cho gia đình, “bỏ quên” thực phẩm Tết. 

Chị Đào Thị Hạnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. “Mỗi lần ăn Tết rồi lên Hà Nội, với tâm lý thương các con, bố mẹ tôi lại gói ghém rất nhiều đồ ăn lên cho các con. Bên cạnh những thực phẩm tươi như rau, thịt, trứng, thì còn những đồ ăn đã nấu, như bánh chưng, giò. Đây là những thực phẩm có thể để lâu, nhưng nếu ăn nhiều thì rất chán. Vì vậy, nhiều loại thực phẩm sau Tết vẫn còn nguyên trong tủ lạnh” – chị Hạnh cho hay.  

Theo chị Hạnh, bánh chưng với giò có thể dùng ăn sáng khá tiện lợi, nhưng chỉ được 1, 2 hôm đầu. “Sang ngày thứ 3 là bọn trẻ bắt đầu chán. Chúng muốn ăn bún, phở, vì ăn bánh chưng rán khá cứng, ngoài ra, do để lâu ngày nên mùi vị không còn thơm ngon nữa” – chị Hạnh giải thích.

Chị Hạnh cho rằng, đối với bánh chưng, mỗi nhà nên gói một vài chiếc tượng trưng để bày lên bàn thờ gia tiên, vì thực tế, bánh chưng để lâu rất khó ăn, dẫn đến lãng phí.  

Sau nghỉ Tết, nhiều gia đình mang rất nhiều thực phẩm lên để tích trữ dùng dần. Ảnh: NVCC
Sau nghỉ Tết, nhiều gia đình mang rất nhiều thực phẩm lên để tích trữ dùng dần. Ảnh: NVCC 

Nhiều người khác do không thể tiêu thụ hết thực phẩm ngày Tết nên tính cách đổ đi, gây lãng phí thực phẩm. “Vì tính tiết kiệm, tôi không muốn phải vứt đồ ăn, nhưng nếu thời gian quá lâu mà nhà không ăn hết, bị giảm chất lượng, thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ thì tôi cũng đành phải dọn đi” – chị Hạnh chia sẻ. 

Theo laodong.vn