Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Sharm el Sheikh (Ai Cập), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) vừa công bố báo cáo cho thấy, cần đầu tư nhiều hơn vào chuỗi cung ứng lạnh trong sản xuất và phân phối lương thực để giảm nạn đói, tạo sinh kế cho cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chuỗi cung ứng lạnh trong sản xuất và phân phối lương thực rất quan trọng để duy trì chất lượng, giá trị dinh dưỡng và an toàn của thực phẩm, đặc biệt trong bối cảnh ước tính khoảng 14% lượng thực phẩm tươi bị vứt bỏ trước khi đến tay người tiêu dùng do thiếu các dây chuyền lạnh hiệu quả để bảo quản.
Theo báo cáo, cũng cần tăng cường đầu tư nếu thế giới phải đối mặt với thách thức về việc nuôi sống thêm hai tỷ người vào giữa thế kỷ này.
Khủng hoảng gia tăng, nạn đói trầm trọng
Tình trạng lãng phí thực phẩm đang diễn ra khi số người đói trên toàn thế giới tăng lên 828 triệu người vào năm 2021, hơn 46 triệu người so với năm trước.
Vào năm 2020, gần 3,1 tỷ người không thể mua được một chế độ ăn uống lành mạnh, tăng 112 triệu người so với năm 2019, do tác động của đại dịch COVID-19 đã làm tăng lạm phát. Năm nay, cuộc chiến ở Ukraine đã đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.
Báo cáo cho rằng, các nước đang phát triển có thể tiết kiệm 144 triệu tấn lương thực hàng năm nếu họ có được cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng lạnh trong sản xuất và phân phối lương thực ngang bằng với các quốc gia giàu có hơn.
Theo báo cáo, chuỗi cung ứng lạnh trong sản xuất và phân phối lương thực có tác động nghiêm trọng đến biến đổi khí hậu và môi trường. Năm 2017, lượng phát thải do thất thoát thực phẩm và rác thải do thiếu tủ lạnh vào khoảng một gigatonne CO2, tương đương khoảng 2% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Lương thực bị thất thoát cũng làm tăng việc chuyển đổi đất không cần thiết cho các mục đích nông nghiệp, cũng như sử dụng nước, nhiên liệu hóa thạch và năng lượng. Báo cáo nhấn mạnh, giảm thất thoát và lãng phí lương thực có thể tạo ra tác động tích cực đến biến đổi khí hậu, nhưng chỉ khi cơ sở hạ tầng mới được sử dụng các loại khí có khả năng làm giảm sự nóng lên toàn cầu.
Lợi thế của chuỗi cung ứng lạnh
Chuỗi cung ứng lạnh trong sản xuất và phân phối lương thực mang tính bền vững đã và đang tạo ra sự khác biệt ở các quốc gia như Ấn Độ, nơi một dự án thí điểm đã giảm thất thoát trái kiwi tới 76% trong khi giảm lượng khí thải thông qua việc tăng cường sử dụng phương tiện vận tải lạnh.
Báo cáo khuyến nghị, định lượng việc sử dụng năng lượng và phát thải khí nhà kính trong các dây chuyền lạnh thực phẩm hiện có, thiết lập các điểm chuẩn và xác định các cơ hội để giảm phát thải.
Các nhà chức trách cũng có thể thực hiện các tiêu chuẩn hiệu quả tối thiểu đầy tham vọng, cũng như giám sát và thực thi, để ngăn chặn việc nhập khẩu bất hợp pháp các thiết bị dây chuyền lạnh bảo quản thực phẩm và chất làm lạnh kém hiệu quả.
Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP cho biết: “Vào thời điểm mà cộng đồng quốc tế phải hành động để giải quyết các cuộc khủng hoảng lương thực và khí hậu, chuỗi cung ứng lạnh trong sản xuất và phân phối lương thực có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Chúng cho phép chúng ta giảm thất thoát lương thực, cải thiện an ninh lương thực, làm chậm phát thải khí nhà kính, tạo việc làm, giảm nghèo và xây dựng khả năng phục hồi”.
Theo Tổng Giám đốc FAO Dongyu Qu, chuỗi cung ứng lạnh trong sản xuất và phân phối lương thực cũng có thể tạo ra sự khác biệt quan trọng trong nỗ lực đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Ông cho biết: “Tất cả các bên liên quan có thể hỗ trợ việc thực hiện các nghiên cứu của báo cáo này, để chuyển đổi hệ thống nông sản hiệu quả hơn, bao trùm hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn, góp phần sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người, không để lại ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo Tổng hợp từ UN New