Người cao tuổi ở mỗi một quốc gia đều đã tích lũy được những nguồn vốn xã hội, trí tuệ lớn và có thể cả nguồn tài chính. Họ cần được coi là tài sản và là nguồn tài nguyên quan trọng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội. Thế nhưng hiện nay, người cao tuổi ở Việt Nam đang đối mặt với nỗi lo trở thành gánh nặng cho xã hội, công tác chăm sóc người cao tuổi vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa đi vào thực tế.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần có những đổi mới đáng kể về mặt xã hội và công nghệ để khai thác những tài sản quý giá này.

38% người cao tuổi tự đánh giá có sức khỏe tốt hoặc rất tốt

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa” từ năm 2011 với tỉ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Hiện nay, số người cao tuổi (trên 65 tuổi) là 7,4 triệu người, chiếm 7,7% tổng dân số. Nhóm dân số cao tuổi của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 22,3 triệu, chiếm 20,4% vào năm 2050. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới.

Người cao tuổi ở mỗi một quốc gia đều đã tích lũy được những nguồn vốn xã hội, trí tuệ lớn và có thể cả nguồn tài chính nữa. Họ cần được coi là tài sản quan trọng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội. Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần có những đổi mới đáng kể về mặt xã hội và công nghệ để khai thác những tài sản quý giá này.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, PGS-TS Giang Thanh Long – Giảng viên cao cấp, ĐH Kinh tế Quốc dân – một chuyên gia về chính sách công cho biết: Theo kết quả khảo sát từ Điều tra biến động dân số – kế hoạch hóa gia đình năm 2021 của Tổng cục Thống kê thì có khoảng 38% người cao tuổi (NCT) tự đánh giá có sức khỏe tốt hoặc rất tốt.

Theo ông, con số này đã tăng lên đáng kể so với kết quả khảo sát quốc gia về người cao tuổi trước đó. Tuy nhiên, một bức tranh chung về sức khỏe của dân số cao tuổi trong suốt một thập kỷ qua là tỉ lệ các bệnh không lây nhiễm, mạn tính như tim mạch, xương khớp, răng miệng… có xu hướng tăng lên và có sự khác biệt lớn theo độ tuổi, giới tính và khu vực sinh sống (thành thị và nông thôn).

“Chưa kể, NCT ở độ tuổi đại lão (từ 80 tuổi trở lên) trong dân số có xu hướng tăng cả về tỉ lệ trong tổng dân số và số người trong khi họ là nhóm có sức khỏe kém hoặc rất kém hoặc gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày (như đi lại, ăn uống…) cũng như khuyết tật chức năng (như nhìn, nghe, giao tiếp…) nên việc chăm sóc là rất cần thiết”- PGS Giang Thanh Long nói. 

Việc chăm sóc NCT vẫn đối mặt nhiều khó khăn

Trong những năm qua, nhận rõ được các thách thức trong bối cảnh già hóa dân số nhanh, Đảng, Quốc hội và Chính phủ cùng các bộ, ngành và chính quyền các tỉnh/thành phố đã có những thay đổi lớn trong chính sách, chiến lược thích ứng với già hóa dân số, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phát huy vai trò và chăm sóc NCT.

Điển hình nhất là Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13.10.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030 được coi là nền tảng, bước ngoặt cho việc thay đổi các quy định pháp luật liên quan tới chăm sóc NCT. Bên cạnh đó, các bộ, ngành… cũng đang tích cực đánh giá để thay đổi các luật liên quan (như Luật Người cao tuổi; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Bảo hiểm Y tế…) để hướng tới chăm sóc, an sinh đầy đủ hơn cho người cao tuổi.

Theo PGS Giang Thanh Long, mặc dù có nhiều thay đổi trong chính sách và thực thi trong thực tế, nhưng do điều kiện kinh tế còn chưa đáp ứng hết được nhu cầu chăm sóc của hàng triệu người cao tuổi cũng như những thay đổi lớn trong kết cấu của hộ gia đình (từ gia đình nhiều thế hệ sang gia đình hạt nhân) nên việc chăm sóc NCT vẫn đối mặt nhiều khó khăn.

Ông đơn cử như việc chăm sóc NCT chủ yếu vẫn là tại gia đình và người chăm sóc chủ yếu là vợ/chồng, con và cháu. Phần lớn không được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản nên việc chăm sóc khó khăn và đôi khi thành gánh nặng rất lớn cho người được chăm sóc (NCT) và người chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần.

“Chăm sóc cộng đồng dần được phát triển qua hệ thống câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau nhưng chưa thể thay thế hoàn toàn cho chăm sóc tại nhà, trong khi hệ thống chăm sóc tại cơ sở công còn rất hạn chế, nghèo nàn về dịch vụ và cơ sở tư nhân thì không phải NCT nào cũng có thể chi trả. Chính vì những lý do này mà các Quyết định đã nêu trên được đưa ra gần đây nhằm hướng tới xây dựng một hệ thống chăm sóc NCT có tính tích hợp, liên thông từ gia đình tới cộng đồng và cơ sở chăm sóc”- PGS Long nhận định. 

Ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế – cho biết: “Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo, giúp đỡ và phát huy vai trò của người cao tuổi. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động thích ứng với già hóa dân số, tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, trong đó chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật”.

“Điều các nhà hoạch định chính sách cần nhìn thấy rõ nhất là sự thay đổi và nhu cầu theo từng nhóm tuổi, trong đó, nhóm 65 tuổi trở lên cần được chăm sóc, phụng dưỡng. Để thích ứng với già hóa dân số, cần phát triển và tăng cường quản lý dịch vụ chăm sóc xã hội, có cơ chế phối hợp công – tư trong cung ứng dịch vụ chăm sóc xã hội. Đặc biệt là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như gắn kết giữa chăm sóc y tế tại cộng đồng với dịch vụ chăm sóc xã hội”- GS-TS Nguyễn Đình Cử – nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế quốc dân) nhấn mạnh.

Theo laodong.vn