Không ít gia đình sẵn sàng chi số tiền lớn để mua thực phẩm ngày Tết để rồi bất lực nhìn đống thức ăn phải đổ bỏ quá lãng phí.
Năm nào cũng lãng phí thức ăn
Chị Phan Thị Thu (ở Tổ dân phố 8, phường Trần Lãm, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đứng trước cánh cửa tủ lạnh chất đầy thức ăn phân vân không biết nên làm gì với chúng.
Nhà chỉ có 2 vợ chồng với 1 con nhỏ nhưng chị Thu đã chi một khoản tiền lớn để mua thực phẩm dự trữ cho kỳ nghỉ Tết. Theo chị Thu cả năm chỉ có một dịp Tết nên gia đình chị mạnh tay mua sắm vừa phục vụ nhu cầu của gia đình vừa để đãi khách.
Chị Thu chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã quen với việc gia đình dự trữ đủ thức ăn đến sau Tết. Nhà tôi thường gói rất nhiều bánh chưng, ăn không hết thì cho vào tủ lạnh rồi chiên lên ăn dần. Những nồi thịt đông, thịt kho trứng cũng hâm đi hâm lại đến rệu rã. Năm nào đến mùng 7, mùng 8 cũng phải đổ bỏ một số thức ăn không thể ăn hết được. Năm nay cũng không khác là bao”.
Những bà nội trợ thường mang tâm lý lo sợ không đủ thức ăn, có mỗi dịp Tết mà lo lắng không chu toàn nên ra sức mua sắm thực phẩm. Và thế là nạn thừa mứa thức ăn cứ tiếp diễn từ năm nay qua năm khác.
“Cả năm thắt lưng buộc bụng chỉ có vài ngày Tết thì cũng phải sắm sửa cho tươm tất. Ngày trước, quê tôi còn có tục đãi khách, khách đến nhà ngày Tết bất kể ai cũng phải sửa soạn mâm cỗ nên năm nào cũng mua nhiều thức ăn. Dần dần không còn tục đấy nữa nhưng thói quen mua sắm nhiều thì vẫn còn”, chị Nguyễn Thị Hiền (Ngõ 256, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Mua đủ để không lãng phí
Tết là dịp đặc biệt nhất trong năm và tâm lý chi tiêu mạnh tay của người dân là điều dễ hiểu. Tuy nhiên việc chi tiêu tốn kém cho việc mua sắm thực phẩm của nhiều gia đình đã dẫn đến tình trạng thừa mứa thức ăn, đổ bỏ khắp các bãi rác. Hình ảnh quen thuộc của các gia đình ngày Tết là bánh chưng xếp chồng lên nhau, đủ loại món ăn chất đầy tủ lạnh, thức ăn mua sắm vượt quá nhu cầu sử dụng của gia đình.
“Cả năm qua dịch bệnh không làm ăn được gì nhưng đến ngày Tết, nhà tôi vẫn cố gắng chuẩn bị đồ ăn ngày Tết sao cho thịnh soạn. Bánh chưng không ăn mấy nhưng cứ phải gói cho có không khí Tết”, chị Trương Thị Xuân (Minh Đạo, Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia văn hoá, TS.Nguyễn Thị Hồng, cho rằng: “Người dân Việt Nam ngày xưa đói quanh năm nên thường quan niệm “No 3 ngày Tết, ấm 3 tháng hè” nên Tết đến cứ tích luỹ thức ăn để cảm giác no đủ. Bên cạnh đó, nhiều người lo sợ rằng các cửa hàng đóng cửa dịp Tết nên dự trữ trước cho chắc ăn. Người dân ra sức tích trữ rồi đổ bỏ xót xa trong khi người vô gia cư, người dân ở vùng sâu vùng xa nhiều gia đình không có được một bữa cơm no”.
TS.Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh việc tích trữ thức ăn dẫn đến thừa mứa sau Tết là hết sức lãng phí, nó xuất phát từ cách nghĩ, tâm lý bao đời nay của người dân. Vì vậy để chống lãng phí tiêu dùng ngày Tết thì cần phải thay đổi từ cách nghĩ.
“Người dân nên thay đổi cách nghĩ bởi vì đồ ăn để lâu sẽ không ngon mà hàng quán thì hoạt động đến 30 Tết, mùng 2 đã mở cửa trở lại. Ngày nay không cần lo lắng rằng thiếu thì không mua được. Một trong những hành vi nên thay đổi để góp phần xây dựng văn hoá ngày Tết đó là việc tích trữ đồ ăn. Nên mua sắm phù hợp với nhu cầu của gia đình, mua đủ để không lãng phí”, TS. Nguyễn Thị Hồng nói thêm.
Theo báo Lao Động