“Tủ lạnh tình thương” ngày càng xuất hiện nhiều ở châu Âu, vừa góp phần giải quyết câu chuyện lãng phí thực phẩm, bảo vệ môi trường vừa có thể cung cấp thực phẩm miễn phí cho người cần.

 
Các tình nguyện viên đặt thực phẩm vào “tủ lạnh tình thương” ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AP 

Free-Go – một tổ chức phi lợi nhuận tại Geneva, Thụy Sĩ đang đẩy mạnh triển khai các tủ lạnh miễn phí bên lề đường – nơi các chủ nhà hàng, gia đình và những người khác có thể sử dụng để cho đi thực phẩm dư thừa hay sắp quá hạn sử dụng như trái cây, rau, bánh mì, bánh sừng bò…

Đại diện Free-Go cho biết, chương trình cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực của các nhóm từ thiện và chính quyền thành phố.

“Tủ lạnh tình thương” Free-Go chính thức ra mắt vào năm ngoái, hiện lắp đặt được 4 tủ lạnh như vậy ở Geneva và chuẩn bị cho tủ lạnh thứ 5 trước cuối năm nay. 

Marine Delevaux – Giám đốc dự án Free-Go cho biết, thực phẩm ký gửi thường được nhận hết trong vòng một giờ sau khi đặt vào tủ lạnh. Vì lý do sức khỏe và quy định, thực phẩm đông lạnh hay hộp đựng thực phẩm đã mở, thức ăn chế biến sẵn hoặc rượu không được phép xuất hiện trong “tủ lạnh tình thương”.

Cạnh đó, người đóng góp thực phẩm phải cam kết đảm bảo thực phẩm quyên góp là an toàn để sử dụng.

 
Hoa quả quyên góp vào “tủ lạnh tình thương”. Ảnh: AP

Free-Go đang thử nghiệm hình thức thu nhận thực phẩm theo giờ quy định tại các khu chung cư để cư dân dễ dàng tham gia hơn; đồng thời thiết lập một đường dây nóng mà các chủ nhà hàng sử dụng để gọi thu hồi thực phẩm không sử dụng.

Free-Go cho hay “tủ lạnh tình thương” đầu tiên ở Geneva giúp tiết kiệm khoảng 3,2 tấn thực phẩm khỏi bị lãng phí vào năm ngoái. Trong số thực phẩm quyên góp, chỉ có khoảng 3% phải vứt bỏ vì không ai muốn dùng.

Chính phủ Thụy Sĩ ước tính, một phần ba thực phẩm dành cho tiêu dùng bị lãng phí hoặc vứt bỏ một cách không cần thiết tại nước này, tương đương khoảng 330kg rác thải thực phẩm cho mỗi người dân mỗi năm. Trong số đó, khoảng 100kg là rác thải của các hộ gia đình.

 
Một người đến nhận thực phẩm ở “tủ lạnh tình thương”. Ảnh: AP

Các chiến dịch chia sẻ thực phẩm tương tự đang diễn ra ở thủ đô Bern và phía tây Neuchatel của Thụy Sĩ, sau khi ý tưởng này được du nhập từ Đức.

Theo Foodsharing.de – nhóm cộng đồng ở Đức bắt đầu phong trào “tủ lạnh tình thương” từ hơn một thập kỷ trước, sau đó lan sang nhiều nước châu Âu như Thụy Sĩ, Áo… giúp tiết kiệm được 83 triệu tấn thức ăn khỏi bị lãng phí mỗi năm.

Bà Shala Moradi – một nội trợ 65 tuổi ở Geneva nói: “Tôi có thể lấy dâu tây, anh đào, những thứ tương tự miễn phí”.

Severine Cuendet – một giáo viên 54 tuổi vừa mới ký gửi một số cà chua từ vườn rau của mình vào “tủ lạnh tình thương” mỉm cười: “Chúng tôi có quá nhiều cà chua và cần cho đi”.

Theo thống kê, mỗi năm có 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới, gây thiệt hại kinh tế khoảng 100 tỷ USD và là một trong những nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường sống. Khí metan từ rác thải thực phẩm tạo ra 3,3 tỷ tấn khí nhà kính mỗi năm và chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải.

Theo Báo Quảng Nam.