Trong các con hẻm, khu phố ở TP.HCM đã không còn bóng dáng của dịch bệnh như rào chắn, chăng dây hay dán bảng cách ly, thay vào đó là sự sạch sẽ, gọn gàng và đâu đó đã có đèn hoa ngày Tết.

Sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 năm 2021, bước sang năm 2022, cuộc sống tại TP.HCM đang hồi sinh mạnh mẽ và nhanh chóng. Nếu như sự phục hồi về kinh tế cần có sự cân đo đong đếm, đánh giá bằng những con số định tính, thì sự hồi sinh của cuộc sống ở đô thị sôi động nhất nước này có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường. Trong các con hẻm, khu phố đã không còn bóng dáng của dịch bệnh như rào chắn, chăng dây hay dán bảng cách ly, thay vào đó là sự sạch sẽ, gọn gàng và đâu đó đã có đèn hoa ngày Tết. Người dân trong từng tổ dân phố và các ban ngành đoàn thể, chính quyền TP đang hỗ trợ những gia đình khó khăn, để người người, nhà nhà có một cái Tết ấm áp.

Các đoàn thể ở TPHCM trao quà Tết cho người khó khăn. (Ảnh: Song Nguyên)
Các đoàn thể ở TPHCM trao quà Tết cho người khó khăn. (Ảnh: Song Nguyên)

Người dân cùng gói ghém cho Tết

Những ngày này, trong các con hẻm nhỏ sạch sẽ ở đường Lê Văn Thọ, thuộc Tổ dân phố 91, Khu phố 13, phường 16, quận Gò Vấp, nhiều nhà đang chuẩn bị Tết. Nhưng không khí chuẩn bị không ồn ào, náo nhiệt mà yên ả, nhẹ nhàng. Văng vẳng khúc nhạc xuân từ tivi nhà nào đó, các con hẻm được quét dọn sạch sẽ và khá vắng vẻ. Khu vực này đa số là những gia đình đã định cư khá lâu và một vài dãy trọ. Có nhà ở đây hơn 60 năm, nhà chuyển về sau thì cũng phải đến 30 năm.

Mùa dịch vừa rồi, may mắn không ai bị nặng, cũng nhiều người nhiễm nhưng đều vượt qua, bình an trở về. Khi quận Gò Vấp bị phong toả, khi cả TP bị phong toả, nhà nhà, người người đã chia sẻ với nhau từng bó rau túi gạo, rồi cũng qua. Giờ gần đến Tết, nhiều nhà cũng còn khó khăn nhưng đều cố gắng gói ghém cho có Tết. Nhà nào quá khó thì Tổ dân phố vận động bà con xung quanh hỗ trợ và báo lên phường để chính quyền tặng quà Tết.Nhà bà Sáu Xu có 4 phòng trọ nên không chỉ lo Tết cho mình mà còn ngó nghiêng xem người ở trọ có Tết không, rồi cho được gì thì cho. 

“Thấy họ khó khăn nên tôi giúp được gì thì giúp, chuẩn bị nhà cửa, mua mấy kg cải làm dưa. Ăn Tết nhỏ cũng phải ăn Tết, phải có Tết. Không được như mọi năm thì có sao ăn vậy”- bà Sáu Xu nói.

Người dân khó khăn của Thành phố mua sắm Tết tại Siêu thị mini 0 đồng. (ảnh: Song Nguyên)
Người dân khó khăn của Thành phố mua sắm Tết tại Siêu thị mini 0 đồng. (ảnh: Song Nguyên)

Ra khỏi các con hẻm này là đường Lê Văn Thọ khá ồn ào náo nhiệt với xe cộ ngược xuôi dưới lòng đường và người buôn bán nhỏ san sát trên lề đường. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổ trưởng Tổ dân phố 91 kể, sự ồn ào này chưa được như thời điểm Thành phố chưa có dịch, nhưng như vậy là mừng lắm rồi, chứng tỏ mọi việc đang tốt lên rất nhanh. Bà Hương và nhiều người dân ở đây chưa bao giờ thấy cảnh ùn tắc xe cộ hay tiếng phân bua, xin lỗi đã cọ quẹt do đường chật xe đông… đáng yêu đến thế. Còn cuộc sống hàng ngày, dù nhiều người trong tổ mất việc, chưa có việc làm, phải chen nhau ra vỉa hè buôn bán lặt vặt, nhưng vậy là biết nhau còn bình an, còn có cơ hội kiếm sống. Bà Hương tin tưởng rằng, tổ dân phố của bà, khu phố, phường và thành phố mà bà đang sống, nhất định sẽ sớm ổn như xưa. 

“Ở khu phố này đầm ấm lắm. Sau dịch thì đời sống khó khăn hơn. Tất cả các sinh hoạt đều phải chi lại nhưng Tết thì ai khó khăn khu phố có chăm lo, để nhà nào cũng có Tết”- bà Hương chia sẻ. 

Trước đó, ở một số tổ dân phố của phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, không khí Tết đã đến sớm từ những “Bữa ăn ngày Tết – Ấm lòng người khó khăn” mà doanh nghiệp xã hội FoodBank Việt Nam đứng ra tổ chức cho người dân khó khăn do dịch. Các cô chú, các em nhỏ thường ngày bán vé số, lượm ve chai đã được ăn mặc tươm tất, cười nói rạng rỡ, cùng ăn uống và chúc tết nhau. Các bữa tiệc của chương trình “Bữa ăn ngày Tết – Ấm lòng người khó khăn” tổ chức ở nhiều khu phố với khoảng 1.000 người tham gia.

Các doanh nghiệp của thành phố cũng chung tay tổ chức cho 27.000 gia đình có hoàn cảnh khó khăn được mua sắm tại 32 Siêu thị tết Mini 0 đồng mở ngay trong các xóm lao động nghèo, nỗi nhọc nhằn mưu sinh cũng vơi bớt phần nào. Sự hồi sinh của thành phố thấy được qua công việc hàng ngày của mỗi người nghèo. Đó là họ đã có thể tự kiếm sống khi mọi thứ dần bình thường trở lại. 

Tất cả cho một cái Tết ấm áp

Người Sài Gòn nói, trong đợt dịch vừa qua, chưa bao giờ thấy tình người, thấy sự hào sảng của thành phố này phát huy cao độ đến như vậy. Không ai bảo ai và cũng không cần ai vận động, người người tự giúp nhau, nhà nhà tự giúp nhau, có gì giúp nấy, giúp bằng hết sức mình. Giờ đây cũng vậy, Tết đến rất gần, người dân Sài Gòn- TP.HCM đem Tết, đem cơ hội có một cuộc sống bình thường đến cho nhau. Hàng triệu phần quà Tết, hàng trăm phương tiện mưu sinh như xe máy, xe bán hàng lưu động…đã được trao tặng liên tục, tiếp nối không ngừng.

Một con hẻm ở TPHCM trang trí đón Tết (ảnh: Song Nguyên)
Một con hẻm ở TPHCM trang trí đón Tết (ảnh: Song Nguyên)

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết, Thành phố đã nỗ lực để Tết đến với mọi nhà, MTTQ Thành phố phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện chăm lo Tết Nguyên đán cho các trường hợp khó khăn bằng 40.344 suất quà, trị giá từ 1.000.000 – 2.000.000/suất. 

“Bên cạnh chăm lo chung bằng ngân sách thành phố, chúng tôi quan tâm đến những người khó khăn, đặc biệt là trẻ mồ côi, người già phải sống neo đơn do dại dịch. Chúng tôi rà sóat kỹ, tránh bỏ sót, tránh trùng lắp, để làm sao chăm lo Tết được cho từng đối tượng”- bà Tô Thị Bích Châu cho biết. 

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, TP.HCM xác định Tết Nhâm Dần 2022 là “Tết tri ân, Tết nghĩa tình”. Ngoài ý nghĩa cảm ơn thì còn là sự sẻ chia sâu sắc, là tình người, bởi hàng chục ngàn người đã không có mặt ở mùa xuân này. Đại dịch COVID-19 đã để lại đau thương quá lớn, do đó Thành phố đã giao các cấp các ngành chia sẻ, hỗ trợ, làm những gì có thể để các gia đình kém may mắn nguôi ngoai phần nào. 

“Câu chuyện chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân thành phố nói chung và những người ảnh hưởng của COVID nói riêng đã được thành phố khởi động. TP cũng khởi động chính sách xã hội chăm lo cho người già neo đơn, trẻ mồ côi sau COVID và các đối tượng bị ảnh hưởng khác cùng với chương trình phục hồi của thành phố”- ông Phan Văn Mãi cho biết.

Kế hoạch tổ chức hoạt động chăm lo Tết Nhâm Dần được các đoàn thể, địa phương ở TP.HCM triển khai đồng bộ, cụ thể và thực hiện từ rất sớm. Sự đùm bọc, sẻ chia của chính người dân, cùng các hoạt động chăm lo Tết của các cấp các ngành đảm bảo không để người dân nào vì quá khó khăn mà không có Tết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ “Không để ai bị bỏ lại phía sau”./.

Theo VOV.VN