LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã chỉ đạo công đoàn các cấp liên tục rà soát, nắm thông tin các trường hợp công nhân lao động không may gặp hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ. Đặc biệt, công đoàn quan tâm chăm lo cho đoàn viên, lao động bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động, con em công nhân lao động mồ côi do COVID-19 và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Thu nhập còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn
Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, tập trung khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó có 85% người lao động nhập cư, đa số còn phải đi ở nhà thuê, đời sống còn nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay khi giá xăng tăng cao, đẩy giá các mặt hàng sinh hoạt cũng tăng khiến người lao động phải chi nhiều hơn cho tiền ăn, tiền đi lại và các khoản sinh hoạt…
Chị Đoàn Thị Hương (34 tuổi, công nhân may ở KCN Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương) chia sẻ: “Năm nay lương của mình vẫn chưa tăng, cả lương và phụ cấp là 5,6 triệu đồng. Nếu chỉ có lương thì không thể nào đủ cho gia đình 4 người trang trải chi phí sinh hoạt. Mỗi tháng mình phải tăng ca thêm từ 40-60 giờ để có thu nhập từ 7,5-9 triệu đồng. Tuy nhiên năm nay giá xăng và giá các mặt hàng sinh hoạt đều tăng khiến chi phí sinh hoạt cũng tăng thêm, không còn tiền để tiết kiệm nữa”.
Theo LĐLĐ tỉnh Bình Dương, đơn vị đã có cuộc khảo sát nắm bắt mức thu nhập và đời sống của người lao động Bình Dương. Trong số lao động 2.100 lao động được khảo sát, có 77,4% người lao động có thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng/tháng. Trong đó, từ 5 triệu – 7 triệu đồng/tháng là 40,5%, từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/tháng là 36,9%. Số còn lại mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng là 13,9%. Chỉ số ít (8,7%) công nhân lao động có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.
Ghi nhận thực tế, thu nhập từ lương 8 giờ làm việc hằng ngày chỉ dưới 7 triệu đồng/tháng, để có thu nhập từ 8-9 triệu đồng/tháng, người lao động phải tăng ca từ 2-4 giờ mỗi ngày.
Có đến 42,1% công nhân được khảo sát cho biết không đủ trang trải, 52,5% công nhân vừa đủ trang trải chi tiêu hằng tháng, chỉ có 5% công nhân lao động tích lũy được 1 phần và 0,4% công nhân lao động có tích lũy. Có trên 90% người lao động cho biết, khó khăn nhất hiện nay của họ chủ yếu là về thu nhập. Người lao động cho rằng hiện nay lương thấp, công việc thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không ổn định dẫn đến giảm sâu về thu nhập. Từ đó, số tiền làm ra, không đủ trang trải cuộc sống, phải nuôi con nhỏ, phụng dưỡng mẹ già…
Nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động
Thời gian gần đây, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức chiên chợ giá gốc và phiên chợ 0 đồng. Qua các chương trình, hỗ trợ hơn 60.000 đoàn viên, người lao động tiếp cận và mua sản phẩm nhu yếu phẩm với giá “0 đồng” hoặc giá ưu đãi (đến 50%). Gian hàng phúc lợi đoàn viên” do các cấp công đoàn phối hợp đơn vị phúc lợi tổ chức với tổng số tiền gần 15 tỉ đồng.
Trong tháng 5.2022, LĐLĐ tỉnh, các cấp Công đoàn còn tạo ra những sân chơi bổ ích, ý nghĩa về đời sống tinh thần cho NLĐ như cuộc thi tiếng hát công nhân lao động trên toàn tỉnh. Mỗi công đoàn cơ sở có sân chơi riêng như thi hát karaoke, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng… Một số DN còn tổ chức khám bệnh tổng quát, xây phòng thư giãn cho NLĐ nghỉ ngơi sau giờ làm việc, tạo ra thời gian vui tươi để NLĐ quên đi những mệt nhọc, tiếp tục gắn bó với công việc.
Lãnh đạo LĐLĐ Bình Dương cho biết, trong thời gian tới đơn vị tiếp tục quan tâm, triển khai các hoạt động chăm lo đời sống NLĐ. Tổ chức các hoạt động chăm lo, trao học bổng cho con công nhân, lao động đầu năm học mới. Phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục tổ chức phiên chợ 0 đồng, bán hàng giảm giá ở những khu vực đông công nhân lao động gặp khó khăn. Đặc biệt quan tâm đến những lao động không may bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn nghề nghiệp.
Theo laodong.vn