Giá đầu vào, như lương thực hay nhiên liệu, tăng cao khiến lạm phát ở một số nước Đông Nam Á phá kỷ lục.
Dữ liệu mới công bố của Thái Lan cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 7,1% so với cùng kỳ 2021 và cũng là cao nhất trong hơn 13 năm. Con số này lớn hơn đáng kể mức 4,7% của tháng 4. Trước đó, các nhà kinh tế trong khảo sát của Bloomberg cũng dự báo lạm phát tháng 5 của Thái Lan vào khoảng 5,9%.
Lạm phát ở nước này tăng chủ yếu do giá cả các mặt hàng năng lượng và thực phẩm theo lang. Điều này vốn đã được Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput dự báo từ trước.
Tổng giám đốc Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại Ronnarong Phoolpipat cho biết lạm phát có thể tăng tốc vào tháng 6 do giá nhiên liệu tiếp tục lên cao, kéo theo chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, đồng baht yếu cũng đẩy giá nguyên liệu và sản phẩm nhập khẩu lên.
“Sức ép lạm phát vẫn lớn khi chi phí nhiên liệu và năng lượng tiếp tục tăng cao. Chúng tôi chỉ hy vọng việc tăng sản lượng dầu của OPEC sẽ bắt đầu làm giảm giá dầu thô”, ông Ronnarong Phoolpipat nói.
Ủy ban Chính sách Tiền tệ Thái Lan sẽ bỏ phiếu hôm nay (8/6) về việc có tiếp tục giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức thấp kỷ lục 0,5% hay không. Theo nhà phân tích Charnon Boonnuch của Nomura Holdings, không có dấu hiệu cho thấy lạm phát vượt ra ngoài giá năng lượng và thực phẩm. Vì vậy, có thể Ngân hàng Trung ương Thái Lan sẽ không thắt chặt tiền tệ, tránh ảnh hưởng đến đà phục hồi.
Tại Philippines, số liệu công bố hôm qua (7/6) cho thấy giá tiêu dùng tăng 5,4% trong tháng 5. Đây là mức nhanh nhất trong hơn ba năm và cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% – 4% của ngân hàng trung ương nước này.
Ông Felipe Medalla – người sẽ trở thành quyền thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines vào ngày 1/7 tới cho biết gần như chắc chắn cơ quan này sẽ nâng lãi suất thêm 2 lần nữa đến cuối quý III để kiềm chế lạm phát. Dự kiến, lãi suất cơ bản sau điều chỉnh sẽ là 2,75% so với mức 2,25% hiện tại.
Theo ông Medalla, lạm phát ở Philippines hoàn toàn là từ phía nguồn cung. Hiệu ứng lạm phát sẽ còn mạnh nữa nếu những cú sốc về nguồn cung kéo dài.
Giá đồng peso tuần trước giảm xuống mức thấp nhất ba năm, có khả năng làm tăng chi phí ở quốc gia nhập khẩu hàng hóa từ dầu thô đến lúa mì này. Tuy nhiên, ông Medalla vẫn lạc quan rằng khả năng đồng peso ảnh hưởng xấu đến lạm phát là thấp. Ông dự báo kinh tế Philippines tăng trưởng ít nhất 7% trong năm nay nhờ tiêu dùng phục hồi sau đại dịch.
Ở Indonesia, lạm phát tháng 5 tăng 3,55% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức dự báo 3,6% trong thăm dò của Reuters và 3,47% của tháng 4. Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 12/2017, nhưng vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu năm nay của Ngân hàng Trung ương Indonesia là 2-4%.
Người đứng đầu Cơ quan Thống kê Indonesia Margo Yuwono cho biết lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ trong 3 tuần vào tháng 5 đã làm giảm giá dầu ăn, nhưng cũng nhấn mạnh rằng lạm phát lương thực toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa nội địa.
“Việc tăng giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường toàn cầu như bột mì, đậu nành, góp phần đáng kể vào lạm phát trong nước”, ông nói. Ngoài ra, chi phí thức ăn gia cầm nhập khẩu tăng cao cũng làm tăng giá gà và trứng.
Tháng trước, chính phủ Indonesia đã nhận được sự chấp thuận của quốc hội về việc bơm thêm 24 tỷ USD để trợ giá năng lượng, giúp bình ổn giá một số mặt hàng năng lượng. Các nhà kinh tế cho biết động thái này đã làm giảm áp lực lạm phát khi giá dầu toàn cầu tăng cao. Tuy nhiên, họ cho rằng lạm phát vẫn sẽ tiếp tục leo thang tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
“Trong thời gian tới, áp lực lạm phát sẽ rõ ràng hơn”, Fakhrul Fulvian, nhà kinh tế tại công ty môi giới chứng khoán Trimegah Sekuritas, nhận định. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Indonesia thông báo tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng, dự báo lạm phát năm 2022 sẽ lên trên 4% một chút, trước khi hạ xuống trong phạm vi mục tiêu năm 2023.
Còn tại Singapore, lạm phát cơ bản (không gồm chi phí ăn ở và vận chuyển) tháng 4 đã tăng tốc lên 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức cao nhất trong 10 năm và cao hơn mức 2,9% của tháng 3.
Lạm phát của nước này vào tháng 4 là 5,4%. Trong đó, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) và Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) cho biết lạm phát tăng tốc do giá thực phẩm, bán lẻ, điện và khí đốt cao hơn. Trong đó, lạm phát thực phẩm tăng từ 3,3% trong tháng 3 lên 4,1% vào tháng 4. Lạm phát điện và khí đốt thì lên 19,7% trong tháng 4.
Kết quả lạm phát tháng 5 tại đảo quốc chưa được công bố. Tuy nhiên, khảo sát các chuyên gia kinh tế của Bloomberg vừa nâng dự báo lạm phát năm 2022 cho Singapore thêm 1,6 điểm phần trăm, lên 4,9%. Lạm phát của quý II và III cũng được nâng dự báo lên mức 5,5%, cao hơn mức dưới 4% trong khảo sát hồi tháng 2.
“Các vấn đề về chuỗi cung ứng kéo dài và lệnh cấm xuất khẩu đã làm tăng bất ổn về an ninh lương thực”, Jeff Ng, Nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng MUFG ở Singapore nhận định. Giá lương thực đầu vào khá quan trọng vì Singapore phụ thuộc vào nhập khẩu mặt hàng này.
Phiên An (theo Bloomberg, Reuters)