Với tâm lý mua mâm phải đâm cho thủng ở các nhà hàng buffet, nhiều người đã lãng phí thực phẩm, đồng thời cho thấy sự thiếu văn minh trong văn hóa ăn uống.
Sau những bữa tiệc, bữa ăn linh đình, rất nhiều thức ăn bị bỏ thừa. Ăn, mặc, ở là nhu cầu cơ bản của con người nhưng dường như nhiều người đang gọi món, chọn thức ăn vượt quá nhu cầu của bản thân. Với tâm lý no bụng đói con mắt hay mua mâm thì phải đâm cho thủng ở các nhà hàng buffet, nhiều người không chỉ gây ra tình trạng lãng phí thực phẩm mà còn cho thấy sự thiếu văn minh trong văn hóa ăn uống.
Khoảng 1,3 tỷ thức ăn tương đương với 1/3 lượng thực phẩm được sản xuất ra vẫn có thể sử dụng nhưng đã bị vứt bỏ lãng phí mỗi năm. Tại Việt Nam, có 8,8 triệu tấn thực phẩm bị lãng phím, tương đương với 2%GDP. Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số lãng phí thực phẩm trong khu vực. Hơn một nửa thức ăn bị lãng phí được tạo ra ban đầu do tâm lý để phần cho những người không thể có mặt trong bữa ăn. Một nửa những người để thức ăn trong tủ lạnh sẽ quên lãng nó cho đến khi không còn ăn được. Hơn1/3 người nội trợ thì không biết cách kiểm soát khẩu phần ăn khi chế biến nấu nướng, gây ra việc nấu dư thừa so với nhu cầu ăn uống của gia đình.
“Từ ngày đổi mới mở cửa, cuộc sống khá giả mới có sự lãng phí thực phẩm, trước đây không có. Mọi người vẫn nghĩ ngày xưa đói khổ nên giờ phải ăn cho sướng miệng. Một văn hóa ăn sâu vào người Việt đó là tâm lý sĩ diện, kể cả chủ lẫn khách. Chủ thì cố đặt cỗ để người ta không chê hà tiện, bùn xỉn, còn khách lại ăn để làm sao không bị chê ăn tham… “, nhà báo Vũ Tuyết Nhung – tác giả cuốn sách Hà Thành hương vị xưa cũ – chia sẻ.
Cơm, bún, phở, mỳ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong biểu đồ các loại thức ăn bị lãng phí. Tiếp đến là thịt, cá nấu chín và rau củ. Một vài miếng thịt, mẩu bánh mì bỏ đi khiến người ta không băn khoăn. Nhưng nếu nhân sự lãng phí này với 365 ngày trong năm, theo tính toán của một chuyên gia, mỗi người hàng năm lãng phí hơn 100 kg lương thực, thực phẩm, tương đương khối lượng tiêu thụ của một người trong 3 – 4 tháng. Điều đáng nói là trong xã hội vẫn còn nhiều người nghèo, đói ăn, thiếu bữa. Thậm chí, nhiều chủ nhân của những bữa ăn lãng phí lại có mức thu nhập trung bình hoặc trung bình thấp.
Tác động của thói quen ăn uống lãng phí vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Hệ lụy của thói quen này rất lớn. Quan trọng hơn, sau đó là góc khuất về nguồn năng lượng, tài nguyên khổng lồ được đổ dồn vào để sản xuất núi lương thực bị thất thoát. Nhìn ở góc độ trực diện, hàng nghìn tỷ USD mỗi năm được dùng để tạo ra thực phẩm đã đốt đi một cách vô ích. Hơn nữa, số lương thực, thực phẩm thừa nếu không được tận dụng sẽ kết thúc vòng đời bằng việc bị chôn lấp tại các khu xử lý rác thải, gây ảnh hưởng môi trường.
Năm 2018, Kế hoạch hành động quốc gia về không còn nạn đói ở Việt Nam đến 2025 đã được thông qua. Một trong những mục tiêu là tới 2025, lương thực không bị thất thoát lãng phí. Nhưng không có kế hoạch hay chiến lược nào thành công nếu mỗi người không tự ý thức về những gì mình ăn hay để lại. Thay đổi thói quen, điều chỉnh hành vi tưởng chừng rất nhỏ trong đi chợ hay ăn uống hàng ngày cũng chính là trân trọng giá trị của lao động, ứng xử văn hóa với cộng động và môi trường sống.
Theo vtv.vn