Theo Liên Hiệp Quốc, hàng triệu người trên thế giới có thể bị đói nếu xuất khẩu ngũ cốc từ Nga và Ukraine giảm thêm.
Theo báo cáo của nhóm Ứng phó với khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 8-6, có tới 181 triệu người ở 41 quốc gia có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong năm nay, do cuộc xung đột ở Ukraine và tác động của nó đến xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.
Báo cáo viết: “Lương thực không bao giờ nên là thứ xa xỉ. Đó là quyền cơ bản của con người. Cuộc khủng hoảng này có thể nhanh chóng biến thành một thảm họa lương thực trên toàn cầu”.
Theo Đài RT của Nga, Liên Hiệp Quốc dự báo tình hình có thể xấu đi sau năm 2022, với 19 triệu người dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính trên toàn cầu vào năm 2023 nếu xuất khẩu lương thực từ Nga và Ukraine tiếp tục giảm.
Cụ thể, giá thực phẩm đang ở mức cao kỷ lục, trong khi giá phân bón tăng gấp đôi đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất lương thực.
Báo cáo cũng nhấn mạnh nếu không có phân bón, tình trạng giảm năng suất cây lương thực sẽ xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng tỉ người ở châu Á và Nam Mỹ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine có thể gây ra sự hỗn loạn trong xã hội và kinh tế trên toàn thế giới, làm trầm trọng thêm hậu quả của những cuộc khủng hoảng khác mà toàn cầu đang phải đối mặt như biến đổi khí hậu, COVID-19 và sự bất bình đẳng.
Ông Guterres kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Đồng thời, nhiệm vụ cấp bách không thể chậm trễ lúc này là ổn định thị trường lương thực và năng lượng toàn cầu, cung cấp các nguồn lực ngay lập tức để hỗ trợ các quốc gia và cộng đồng dân cư nghèo nhất.
Liên Hiệp Quốc đã tham gia vào các cuộc đàm phán để nối lại các chuyến hàng ngũ cốc từ cảng Odessa của Ukraine.
Ngày 9-6, Điện Kremlin cho biết không đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc xuất khẩu các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen dù các nỗ lực vẫn đang diễn ra.
Theo Hãng tin Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy để đạt được một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine về nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine. Triển vọng về việc đạt được thỏa thuận có vẻ mờ mịt vì các bên đều đổ lỗi cho bên kia làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực toàn cầu.
Theo Báo Tuổi Trẻ