Hằng ngày, chúng ta luôn chứng kiến việc lãng phí thực phẩm trong tiêu dùng sinh hoạt hằng ngày của chính chúng ta và những người xung quanh.

Ảnh minh họa:

Tại các quán ăn, bình dân đến sang trọng, việc gọi món tràn lan, cuối cùng không tiêu dùng hết bỏ lại một lượng lớn lãng phí. Tại những bừa cơm trong gia đình, lượng cơm thừa, canh cặn luôn chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Nhiều thức ăn bỏ quên trong tủ lạnh đến hư hỏng. Nhiều thực phẩm mua về chất đống trên ngăn đá những ít khi sử dụng, cuối cùng hết hạn phải vứt bỏ. Ở những quán buffet, khách hàng lấy thức ăn tràn lan và bỏ lại rất nhiều, tạo ra một sự lãng phí không nhỏ. Tại những cánh đồng được mùa rớt giá, người ta chặt bỏ nhiều ha xu hào, cà rốt để làm phân xanh. Tại nhiều thửa ruộng hoa mầu như cà chua, rau xanh nông dân không muốn thu hoạch vì mất công mà không có lợi ích, bỏ ngỏ cho gia xúc gia cầm chăn thả vào ăn và rồi để phân huỷ tự nhiên…

Kể ra những hiện tượng như trên thì phải nói rằng người Việt ta rất lãng phí trong cách sử dụng, chế biến, bảo quản và quy hoạch canh tác các loại lương thực, thực phẩm.

Việc lãng phí thực phẩm hiện nay còn do tâm lý, văn hoá ăn uống đã tồn tại khá lâu trong tư duy người Việt. Chúng ta vẫn hay đi ăn cỗ cưới hay những đám giỗ, tiệc sinh nhật, liên hoan chúc mừng sự kiện này, công việc nọ. Người Việt ta hay có tâm lý “no bụng, đói con mắt”, nên cứ phải mâm cao, cỗ đầy thì mới sang, mới đẹp. Tâm lý và tư duy này vốn đúng trong thời điểm xã hội còn chậm phát triển, khi con người ăn uống thiếu chất và cần nhiều calo để trực tiếp lao động sản xuất nông nghiệp. Khi xã hội phát triển, kinh tế khá hơn, con người có điều kiện ăn uống sinh hoạt đầy đủ, năng lượng nạp vào cơ thể luôn dư thừa. Khi tâm lý này vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện đại, sẽ xảy ra hai hệ quả là: Lãng phí thức ăn và bệnh thừa cân, béo phì kéo theo một loạt bệnh như mỡ máu, huyết áp, tim mạch tiểu đường, đem lại cho hệ thống y tế những gánh nặng không nhỏ.

Lãng phí thực phẩm còn là tâm lý, văn hoá “nợ miệng”. Được hiểu là nếu tôi mời anh đến ăn cỗ ở tình huống này và nhận quà mừng của anh, thì trong một tình huống khác, anh phải mời tôi, và cỗ bàn phải tương xứng với tiền lễ tôi mừng trong bữa ăn đó. Bởi vậy việc cưới xin, giỗ chạp, lên nhà mới, mừng có con trai, cháu đích tôn…thì việc làm đau đầu chủ nhà, nhất là mấy bà nội trợ là thiết kế món ăn. Thông thường phải đủ 5 đến 7 món, mâm cao cỗ đầy để đẹp mặt gia chủ. Thế rồi trên mâm sẽ là thịt gà, giò lợn, cá hấp, tôm luộc đến dê, bò…đủ món chưa kể đến hỗn hợp bia rượu nước ngọt. Cánh đàn ông rượu vào lời ra, dô dô, cạch cạch, cuối cùng mâm cỗ còn nguyên. Phái nữ thích ăn nhưng sợ tăng cân, giữ eo nên chỉ nhấm nháp lấy lệ. Vậy là cũng thừa thãi đồ ăn thức uống. Có những đam cưới tới hàng trăm mâm ở quê, mang tiếng là to, là hoành tráng, nhưng cũng là để trả nợ miệng.

Tiếc rằng, đôi khi mâm cao cỗ đầy chỉ nặng về chủ nghĩa hình thức, lãng phí tiền của và gây ra những ô nhiễm môi trường.

Một vài địa phương có tục lệ “lấy phần” mang về. Vào mâm, chị em chỉ ăn bát canh, các phần khô sẽ chia cỗ mang về. Điều này sẽ hợp với nhóm những người địa phương khi họ chung văn hoá và nhận thức. Nhưng nếu có người khách lạ nơi khác ngồi vào mâm này, họ sẽ cảm thấy lạc lõng vì các món không ai gắp, vậy nên nó từng bị quy kết là thiếu lịch sự, từng bị hạn chế ở một số nơi, nhưng việc này nếu nhìn ở góc độ thực tế, xem ra lại tốt cho việc đỡ lãng phí thực phẩm.

Song song với những đám cỗ linh đình, những bàn tiệc sang trọng và những thói quen lãng phí của nhiều người nơi đô thị phát triển, hằng ngày vẫn có rất nhiều người ở vùng khó khắn đói ăn thiếu mặc. Nhiều bữa ăn học sinh vùng dân tộc thiểu số khó hằng ngày chỉ có rất ít cá, thịt. Vậy nên chăng chúng ta nên nghĩ tới những cách thức để có thể chia sẻ sự dư thừa thực phẩm này tới những nơi thiếu thốn một cách hợp lý.

Tiêu dùng thực phẩm hằng ngày đúng cách, sẽ giúp ích tiết kiệm chi phí sinh hoạt, giảm tải nguy cơ bệnh tật và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.

Theo thanhtra.com.vn