Trong lúc người Việt còn thờ ơ thì từ lâu rất nhiều chiến dịch tiết kiệm thực phẩm diễn ra trên toàn thế giới nhằm tránh sự lãng phí và bảo vệ môi trường

Báo Người Lao Động tiếp tục nhận được nhiều câu chuyện \”mắt thấy tai nghe\” cũng như những ý kiến đóng góp quý giá nhằm giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm.

NGUYỄN ĐƯỚC, quận 5, TP HCM: Cần quy chuẩn

Cách đây chưa lâu, công ty tôi tổ chức tiệc cho người lao động tại một nhà hàng tự chọn món ăn ở quận 5, TP HCM. Ngoài chúng tôi, nhà hàng này còn đón nhiều thực khách nữa.

Mọi người thật sự choáng ngợp khi bước vào bởi vô vàn thức ăn ngon, đặc biệt là hải sản, được bày biện để ai cũng có thể lựa chọn theo sở thích. Nhiều người tranh thủ lấy rất nhiều món cho mình và cho người ngồi cùng bàn.

Khi ra về, tôi quan sát trên một số bàn dư vô số thức ăn. Tôm, cua gần như còn nguyên con. Chè hạt sen táo đỏ trong các ly thì hầu như chỉ vơi đi một vài muỗng, trong khi trước đó, tôi và vài đồng nghiệp tìm đến quầy chè tính thưởng thức nhưng đành thất vọng quay đi vì nồi chè đã cạn. Thú thật, trước cảnh thi nhau lấy món nhưng dùng thì rất lãng phí khiến tôi xót hết cả ruột.

\"Người
Một cuộc thi nấu ăn với tiêu chí “ngon, rẻ, hợp lý” Ảnh: CHÍNH HỘI

Nhiều người ngại đi lại và có lẽ nhìn thấy đồ ăn, thức uống quá hấp dẫn nên mỗi lần lấy là lấy rất nhiều. Kết quả, tái diễn tình huống \”xót ruột\” như ở trên.

\”Ngay từ bé, mẹ tôi luôn dạy rằng việc bỏ phí thức ăn mà chẳng cảm thấy xót xa chính là tự xem thường giá trị của bản thân, giá trị của sức lao động. Bỏ phí thực phẩm đồng nghĩa với việc chúng ta quăng vào sọt rác những đồng tiền do mình làm ra\”.

Hai câu chuyện mà tôi tận mắt chứng kiến nằm trong vô số ví dụ về phí phạm thực phẩm. Nó không chỉ đào sâu sự phân biệt \”người ăn không hết, kẻ lần không ra\” mà còn ảnh hưởng xấu đến ứng xử xã hội, tạo gánh nặng cho khâu xử lý rác, gây áp lực lên việc gìn giữ môi trường.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần thể hiện sự lịch thiệp và có văn hóa hơn trong việc dùng đồ ăn. Cần chấm dứt sự vô trách nhiệm với thực phẩm, nhất là tại nơi công cộng, các điểm đến du lịch, chốn đông người.

Để làm được điều đó, trước hết phải bắt nguồn từ chính trong môi trường giáo dục của mỗi gia đình bởi gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có tốt thì xã hội mới tốt lên.

Cũng cần nói thêm rằng đã đến lúc các cơ quan quản lý cần nghiên cứu để cho ra đời quy chuẩn về văn hóa trong ăn uống, sử dụng thực phẩm. Từ đó, xóa đi \”danh hiệu đệ nhị lãng phí\” không mấy hay ho của một khảo sát mới đây tại 8 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương (Việt Nam xếp thứ 2 về lãng phí thực phẩm, chỉ sau Trung Quốc).

MAI TRANG, quận Tân Phú, TP HCM: Nên là người có trách nhiệm

Tôi có người quen làm nghề thu gom rác. Anh kể ngày nào nhặt những hộp nhựa trong sọt rác để bán ve chai cũng thấy lắm thức ăn thừa. Khi thì bánh, trái cây, có khi thì thịt cá. Điều làm anh tiếc hùi hụi là những thức ăn ấy đôi lúc nguyên vẹn. Khá nhiều hộp còn hạn sử dụng đến gần tuần lễ.

Sự lãng phí ấy, trớ trêu, là không đáng ngạc nhiên. Bởi do nơi anh lấy rác là khu nhà giàu. Họ sẵn sàng vứt bỏ những thức ăn còn hạn vì sợ để lâu trong tủ lạnh hoặc sát hạn sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Phải chi họ mang cho người nghèo khó thì hay biết mấy, anh bạn tôi nói thế.

Thực tế cho thấy có những gia đình khá giả do muốn gì cũng có nên không biết trân trọng thứ đang sở hữu. Họ sẵn sàng vứt bỏ những đồ hộp sắp hết hạn chỉ vì sợ bệnh này, bệnh nọ. Có người vào quán gọi hàng loạt món ăn nhưng cuối cùng bỏ lại gần y nguyên trên bàn hoặc chỉ dùng qua trong cái nhìn tiếc nuối của những người đi ăn xin. Lại có một số gia đình vì quá cưng chiều con, mua những món đắt tiền nhưng con trẻ không chịu nuốt thành ra lãng phí… Đành rằng người ta bỏ tiền mua thì có quyền sử dụng hay không nhưng xét về góc độ xã hội thì đây là những hành động không đẹp…

Hiện nay, rất nhiều chiến dịch tiết kiệm thức ăn diễn ra trên toàn thế giới nhằm tránh sự lãng phí và bảo vệ môi trường. Như ở Tây Ban Nha, người dân nghĩ ra cách đặt những chiếc tủ lạnh công cộng và gọi đó là \”tủ lạnh đoàn kết\”. Cá nhân hoặc siêu thị có dư thực phẩm sắp hết hạn sử dụng cứ việc bỏ vào tủ lạnh đó. Ai thiếu ăn sẽ đến mở tủ lạnh và chọn lựa thực phẩm mình thích mang về chế biến dùng trong ngày. Ở Đức cũng có cách làm tương tự.

Nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đang tìm cũng như áp dụng các giải pháp để chống lãng phí thức ăn, tránh nguy cơ đói khát có thể sẽ xảy ra trong tương lai trên toàn cầu.

Việc lãng phí thực phẩm sẽ dẫn đến lãng phí về tài nguyên, quỹ đất, nguồn nước, vật tư nông nghiệp, nhiên liệu hóa thạch… làm tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình nên có trách nhiệm với cộng đồng, với hành tinh mình đang sống bằng việc ăn uống tiết kiệm, phù hợp. Thay vì bỏ những thức ăn còn dùng được, hãy mang biếu tặng người thân, người ăn xin hoặc trước đó mua ít lại, bảo quản tốt hơn… Điều này vừa thể hiện tính nhân văn, còn là cách bảo vệ môi trường cho trái đất.

Một số câu chuyện khác

Đừng sợ chê cười

Mẹ tôi mất khi ba tôi chưa đến 30 tuổi. Mặc dù mẹ mất quá sớm, ba vẫn ở vậy nuôi 3 anh em. Điều tôi học được ở ba là cách tiết kiệm trong chi tiêu. Nhờ tiết kiệm, ba tôi đã xây được nhà tường mái ngói, không sợ gió bão như trước. Bây giờ, tuy đã ổn định nhà cửa, con cái có việc làm, tôi vẫn luôn nhắc nhở thế hệ sau thực hành tiết kiệm trong chi tiêu.

Mỗi lần đi ăn cưới hay dự tiệc mời ở nhà hàng, tôi mang phần thức ăn dư về nhà mà không sợ chê cười. Trong đó, một lần đi dự tiệc liên hoan chia tay người nghỉ hưu ở cơ quan, tôi đã lấy mấy món tráng miệng còn dư về cho cháu. Tôi nói với chủ của bữa tiệc cho phép lấy món ăn tráng miệng còn dư, chủ bữa tiệc đã vui vẻ tán thành, còn tự tay gom thêm mấy món ăn để tôi đem về.

Bích Chi

Áp dụng công nghệ 4.0

Thời nay, mọi người đều có thiết bị điện tử thông minh, kết nối liên tục với nhau thì áp dụng công nghệ để tránh lãng phí thực phẩm là một giải pháp hay.

Như ở Thái Lan có công ty khởi nghiệp Yindii sở hữu ứng dụng di động giúp chống lãng phí thực phẩm. App của công ty kết nối người tiêu dùng với các nhà hàng và quán cà phê để mua thực phẩm với giá giảm trước khi chúng hết hạn. Người dùng có thể chọn đến lấy thức ăn ở cửa hàng hoặc giao hàng tận nơi.

Hay ở Hồng Kông (Trung Quốc), Breadline là ứng dụng chống lãng phí thực phẩm bằng cách kết nối các tiệm bánh với những người tình nguyện thu thập bánh mì thừa và giúp phân phối lại chúng cho các tổ chức từ thiện (hay trực tiếp cho cá nhân có hoàn cảnh khó khăn).

Một ứng dụng khác ở Singapore được gọi là Makan Rescue cũng cam kết chống lãng phí thực phẩm. Được phát triển bởi một nhóm sinh viên đại học, nền tảng di động này báo tin cho người dân về những món ăn miễn phí gần đó (mà nếu không đến nhận thì sẽ hỏng). Người dùng được khuyến khích thông báo cho những người khác biết nếu cần nhận thức ăn dôi dư.

Tại Việt Nam, trước mắt các phương tiện truyền thông, cơ quan Chính phủ, tổ chức xã hội và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội nên tích cực lan truyền các thông điệp phòng chống lãng phí thực phẩm. Các công ty thực phẩm và nhà hàng nên hưởng ứng để ngăn chặn tình trạng lãng phí, đồng thời thường xuyên nhắc nhở người tiêu dùng về vấn đề này.

Lê Nữ Ngọc Cương (quận 12, TP HCM)

Theo nld.com.vn