Vật giá “leo thang” khiến lượng người lao động thu nhập thấp tìm đến các quán cơm trợ giá, cơm 0 đồng ngày một đông. Trong khi đó, việc duy trì hoạt động của các quán cơm này trong giai đoạn hiện nay cũng lắm gian nan.

\"\"

Ấm lòng người lao động nghèo

10h sáng, trước “Trạm cơm nghĩa tình” – số nhà 175 đường Trần Bình Trọng (quận 5) đã có hàng chục người lao động phổ thông đứng xếp hàng mua cơm trợ giá và nhận cơm miễn phí. Hơn một năm qua, mỗi ngày, trạm cơm này đều đặn bán cơm trợ giá và phát từ 600-1.000 phần cơm miễn phí cho người nghèo, bệnh nhân và thân nhân gặp khó khăn ở các bệnh viện.

Vừa nhận phần cơm có thịt miễn phí từ Trạm cơm nghĩa tình, bà Nguyễn Thị Dinh (quê Phú Yên) cho biết, bà trở lại TPHCM bán vé số từ đầu năm nay sau một thời gian dài ở quê do dịch COVID-19. Thời gian qua, việc buôn bán của bà không mấy suôn sẻ. Vật giá ngày một tăng cao nên cuộc sống của những người thuê nhà trọ, bán vé số như bà càng chật vật hơn.

“Trước đây, bốn chị em thuê chung phòng chỉ cần góp mỗi người 20.000 đồng là đủ nấu ăn cho hai bữa. Bây giờ, chừng đó tiền chỉ đủ nấu một bữa sơ sài. Trưa nào tôi cũng ra đây xếp hàng xin cơm miễn phí, buổi tối mới góp tiền nấu ăn chung”- bà Dinh tâm sự.

Ngoài số người có hoàn cảnh khó khăn đến nhận cơm miễn phí, hàng ngày, còn có nhiều người lao động như tài xế xe ôm, ba gác, bán vé số, nhặt ve chai,… đến đây mua cơm trợ giá 10.000 đồng/phần.

Theo chị Đỗ Thị Tưởng (ngụ quận 5) – thành viên “Trạm cơm nghĩa tình”, trong giai đoạn TPHCM phải phong tỏa để chống dịch COVID-19, chị cùng một số người em và nhà hảo tâm tổ chức các chuyến xe đưa lương thực, thực phẩm, thuốc men đến với các khu vực cách ly, phong tỏa để hỗ trợ những người khó khăn.

“Nhận thấy nhiều người lao động quá khó khăn sau dịch, chúng tôi quyết định mở ra một trạm cơm nghĩa tình với sự chung tay của các nhà hảo tâm. Ở đây, một phần cơm có thịt được trợ giá sẽ đến tay người lao động với giá 10.000 đồng/phần. Ngoài ra, chúng tôi còn miễn phí các phần cơm cho sinh viên, người lao động nghèo, bệnh nhân, thân nhân gặp khó khăn”- Chị Tưởng chia sẻ.

Tiệm cơm miễn phí ở số nhà 207 Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh) cũng là nơi lui đến thường xuyên của những người lao động nghèo. Tiệm do ông Trần Văn Hồng (87 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị My (71 tuổi) mở ra từ đợt cao điểm dịch COVID-19 năm ngoái và duy trì cho đến bây giờ.

Mỗi ngày, tiệm phục vụ từ 10h sáng với khoảng 500 suất ăn miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn và người lao động nghèo. Ai có nhu cầu thì ghé vào lấy các hộp cơm đã được chuẩn bị sẵn, đặt ngăn nắp trên bàn để ăn trưa.

Tìm cách duy trì hoạt động

Trong thời buổi vật giá leo thang, lượng người tìm đến trạm cơm đông hơn nên số suất cơm miễn phí không đáp ứng đủ nhu cầu.

Anh Trần Phước Hòa (ngụ quận 11) cho biết, mấy tháng qua, anh đang phải chật vật duy trì quán cơm chay Thiên Phước 5.000 đồng trên đường Nguyễn Chí Thanh. Nhiều năm trước, với mong muốn hỗ trợ người có thu nhập thấp, anh Hòa đã mở hệ thống cơm chay Thiên Phước đồng giá 5.000 đồng/phần.

Sau nhiều năm hoạt động, hệ thống này chỉ còn một chi nhánh ở số 62 Nguyễn Chí Thanh. Để duy trì quán cơm cho đến nay, hàng tháng, anh phải bỏ tiền túi ra bù lỗ và được bạn bè giúp đỡ một phần.

“Trong thời buổi giá liên tục tăng, người nghèo sẽ càng gặp khó khăn hơn; do đó chúng tôi sẽ cố gắng tính toán, tiết kiệm chi phí và tiếp tục tìm nguồn để duy trì bằng được Trạm cơm nghĩa tình này để san sẻ một phần khó khăn với bà con nghèo”. Chị Đỗ thị tưởng

Anh Hòa tính toán, khoảng hai năm trước, giá một bình dầu ăn chỉ hơn 400.000 đồng. Bây giờ, cũng bình dầu 40 lít như trước, giá đã lên hơn 1,1 triệu đồng. Giá xăng tăng tác động mạnh đến giá nguyên vật liệu cần cho bữa cơm. “Tôi nghĩ, hơn lúc nào hết, bây giờ là lúc người nghèo đang rất cần mình. Do vậy, tôi chắc chắn sẽ tìm cách giữ quán cơm 5.000 đồng để cùng họ vượt qua khó khăn”- anh Hòa nói.

Cùng suy nghĩ, ông Trần Văn Hồng – chủ tiệm cơm miễn phí ở số nhà 207 Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh) cho biết, dù trong giai đoạn khó khăn nhưng ngày nào cũng có các tình nguyện viên là sinh viên, người lao động đến giúp đỡ vợ chồng ông nấu cơm.

“Năm trước, dịch bệnh dữ dội ở TPHCM, nhờ những tiệm cơm 0 đồng như thế này đã giúp nhiều người nghèo vượt qua những ngày gian khó. Hiện tại, vật giá tiếp tục tăng gây khó khăn cho đời sống của người nghèo nhưng nếu đoàn kết, đùm bọc nhau thì khó khăn nào chúng ta cũng vượt qua được”- ông Hồng hy vọng.

Chị Đỗ Thị Tưởng – thành viên Trạm cơm nghĩa tình (quận 5) cho biết, với những tiệm cơm thông thường, giữ được giá trong thời “bão giá” đã là một việc khó. Do đó, việc trạm duy trì được từ vài trăm đến hàng nghìn phần ăn miễn phí mỗi ngày là không hề đơn giản.

Cũng theo chị Tưởng, trạm cơm nghĩa tình vẫn duy trì được 600 – 1.000 suất cơm miễn phí mỗi ngày trong “bão giá” là nhờ sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm và sự đồng lòng của anh chị em tình nguyện viên. Nhiều người dân lao động ở quận 5, quận 8 tranh thủ thời gian rảnh vào buổi tối ghé đến nhặt rau, rửa chén; các tài xế xe ba gác hằng ngày vẫn giúp trạm cơm chuyển các suất ăn đến bệnh viện. Các tình nguyện viên giúp trạm chuẩn bị những suất ăn…

Theo Tiền Phong