Nhiều người không chờ lấy canh, không kịp lấy đũa bát đã ngồi bệt xuống, lấy đôi tay bốc cơm ăn ngon lành, chị Tuyết chứng kiến mà rơi nước mắt. Hành trình phát cơm miễn phí và công tác thiện nguyện mà người phụ nữ ấy duy trì 17 năm nay có lẽ cũng chính bởi những số phận như vậy.

“Một miếng khi đói…”

Chị Cao Thị Ánh Tuyết (50 tuổi, Hà Nội) chưa bao giờ quên những ngày thơ ấu khổ cực của mình. Đó là những ngày nhà vắng bố, mẹ không lo nổi miếng ăn cho 5 chị em, nhờ một bà lão hàng xóm cưu mang mà gia đình chị mới vượt qua được. Từ khi ấy, chị đã có ước nguyện nhất định khi lớn lên sẽ đi cứu người.

“Bà tiên” 17 năm âm thầm phát cơm miễn phí cho người nghèo - Ảnh 1.
Chị Tuyết tự tay nấu những suất cơm cho người nghèo.

Cách đây 17 năm, nồi cháo thiện nguyện đầu tiên do chị nấu ra đến với bệnh nhân Bệnh viện tâm thần Thái Bình, quê chị. Rồi những nồi cháo, những suất cơm ấm tình người lan toả đến với các bệnh viện Xanh Pôn, Bạch Mai ở Hà Nội.

Ngày nào, bếp nhà chị Tuyết cũng ấm lửa từ 4 giờ sáng và chỉ tắt lúc 11 giờ đêm. Chị cũng như bao người phụ nữ, sáng đưa cháu đi học, vòng về công ty làm việc, từ trưa đến chiều chị vào bếp nấu ăn. Đúng 17 giờ 30, từ thứ 2 đến thứ 5 ở bờ hồ Thiền Quang, những suất cơm nóng đến với tay bệnh nhân và những người lao động nghèo.

Chiều lạnh đầu tháng 12, gần trăm suất cơm nóng vừa mang ra chưa đầy 30 phút đã hết sạch, cụ ông bị liệt lom khom chống gậy sốt ruột “mắng” cụ bà: “Ơ, thế không còn cơm cho tôi à?”. Chị Tuyết trông thấy, liền nhờ một người thân mang thêm cơm đến tận nhà cho 2 cụ.

“Bà tiên” 17 năm âm thầm phát cơm miễn phí cho người nghèo - Ảnh 2.
Những suất ăn ấm tình người của chị Tuyết đến với các cụ già trong đêm đông rét mướt.

Chị Tuyết kể, trước kia chị thường nấu khoảng 50 suất mỗi ngày, rồi số lượng tặng đến 70, rồi 90 suất như hiện tại. Không cần thông báo gì, cứ xế chiều người lao động nghèo như những cánh chim mỏi bay về điểm phát cơm từ thiện, số lượng ngày càng đông. Có những ngày cơm thiếu, những gương mặt ủ rũ ra về khiến chị không cầm lòng nên quay về lấy cơm của gia đình ra phát tiếp.

Người đến nhận cơm của nhóm thiện nguyện phần nhiều là các cụ ông, “những người đàn ông không giống phụ nữ, họ thường âm thầm chịu đựng, họ đi ăn cơm thiện nguyện chứ không muốn phiền con cháu”, chị nghĩ.

Mỗi người đến điểm phát cơm được nhận 1 suất mang về. Một lần, anh cán bộ phường ra nói với chị: Cô ơi, hoàn cảnh này đáng thương lắm, ông ấy có 2 đứa con khờ ở nhà… Thế là chị phá lệ, có những trường hợp sau đó được nhận 2-3 suất mang về, vì chị hiểu sau họ còn có người vợ liệt, đứa con dại đang chờ ở nhà.

Người cho tự hào còn người lấy thì không như vậy, vì đó là miếng ăn. Nếu không phải chị tìm hiểu, họ cũng không bao giờ kể lể mình khổ như thế nào. Mỗi người đều có một hoàn cảnh đặc biệt. Thậm chí, những ngày nghỉ phát cơm, câu hỏi “hôm nay họ ăn gì?” cũng khiến chị Tuyết băn khoăn mãi.

“Bà tiên” 17 năm âm thầm phát cơm miễn phí cho người nghèo - Ảnh 4.
Nhóm thiện nguyện Tuyết Phong nấu cháo cho các bệnh nhân trong bệnh viện.
“Bà tiên” 17 năm âm thầm phát cơm miễn phí cho người nghèo - Ảnh 5.
Hoạt động của nhóm thiện nguyện trong bệnh viện tâm thần.

Bán vàng đong gạo cho người nghèo

Bao năm nay, cứ đến sinh nhật mẹ, con trai, con gái chị Tuyết đều “quy quà tặng ra… tiền”.  Rồi chị Tuyết lại dùng chính tấm lòng của các con san sẻ với những người khác.

Vào tháng 4/2020, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giữa lúc khó khăn, nhiều người, nhiều gia đình thậm chí phải chạy ăn từng bữa thì chị Tuyết Phong đã bán vàng, bỏ cả trăm triệu đồng để đong gạo, mua đồ ăn tặng cho hộ nghèo và bán hàng rong. Còn lại chút thời gian nào, chị  tranh thủ làm đồ ăn, nước ép tặng bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch.

“Có vị bác sĩ tóc đã bạc phơ cầm chai nước uống gật gù, có cậu thanh niên trẻ một buổi trưa vác hơn 100 quả dưa cho bệnh nhân… tôi biết họ là những người thành đạt, ở tuổi có thể hưởng thụ nhưng họ vẫn bất chấp bệnh dịch để xông pha đến nơi nguy hiểm cứu người thì chút công sức của mình có là gì”, chị nói.

“Bà tiên” 17 năm âm thầm phát cơm miễn phí cho người nghèo - Ảnh 6.
Người vô gia cư, người lao động nghèo hồ hởi đón những suất cơm từ thiện.

Cũng có lúc chị thấy mệt mỏi, nhưng cảm giác tự hào, lời cảm ơn từ những người khó khăn như cho chị sức mạnh vô hình.

Chị vào viện phát cháo, bệnh nhân nói đùa “cháo của cô Tuyết là ngon nhất”, chị cười đáp lại “cháo cháu ngon vì có hương tâm người”. Với chị, làm việc thiện là ước mơ, không ai bắt buộc.

Ngay cả khi kinh phí hạn hẹp nhất, chị cũng rất ít khi kêu gọi. Những người biết đến việc chị làm, người góp gạo, góp thịt, người góp tiền của, công sức, hành trình cứ thế được nối dài.

Suốt thời gian qua, ngôi nhà nhỏ gần công viên Thống Nhất của gia đình chị đã trở thành điểm đến của không ít người ở tỉnh ra Hà Nội khám bệnh. Xa quê bao năm, nhưng khi hàng xóm láng giềng ngày xưa khó khăn gọi lên nhờ sự giúp đỡ, chị cũng chưa bao giờ từ chối.

Có những trường hợp bệnh nhân quá nghèo, đến khi bệnh viện trả về không có tiền thuê xe, bác sĩ gọi điện cho chị, chị huy động mọi người ủng hộ. Có trường hợp bệnh nhân về đến nhà thì mất. Có trường hợp diễn viên gạo cội khi lìa đời không ai bên cạnh, chị cũng là người lo hậu sự, hỗ trợ đứa con lầm lạc trong tù của người đã khuất, cho họ một con đường trở về.

“Bà tiên” 17 năm âm thầm phát cơm miễn phí cho người nghèo - Ảnh 7.
Chị Tuyết tặng quà cho một bệnh nhi khó khăn.

“Con tôi nhắc nhở một câu: Mẹ ơi, nếu trong việc từ thiện mẹ không cẩn thận sẽ huỷ diệt tương lai của mẹ, vậy nên tôi cũng rất giữ ý trong hoạt động thiện nguyện. Có người nói “cho tôi đóng 1 triệu” nhưng lại không đưa tiền, cũng không thể đòi nên tôi sẽ chỉ lên danh sách thực tế.

Tôi không mong người ta đồng hành với tôi, tôi mong mọi người hãy đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn. Hãy nhìn lại, phía sau còn rất nhiều người cần giúp đỡ trên cuộc đời này”, chị Tuyết tâm sự.

Theo Báo Dân Việt