Tổng thư ký LHQ cảnh báo nguy cơ xảy ra nạn đói ở nhiều nơi trong năm nay, gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có.

“Chúng ta đối mặt với khủng hoảng đói toàn cầu chưa từng có”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói trong cuộc họp ngày 24/6. “Chiến sự tại Ukraine làm phức tạp thêm những vấn đề đã tồn tại trong nhiều năm qua như biến động khí hậu, đại dịch Covid-19 và tình trạng phục hồi không đồng đều”.

Hơn 460.000 người ở Somalia, Yemen và Nam Sudan đang trong tình trạng đói kém, hàng triệu người ở 34 quốc gia đang bên bờ vực nạn đói, theo đánh giá của Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tổng hợp (IPC). Đây là thước đo được các cơ quan LHQ, khu vực và nhóm viện trợ sử dụng để xác định tình trạng mất an ninh lương thực.

“Nạn đói nguy cơ xảy ra ở nhiều nơi trong năm nay, thậm chí có thể tồi tệ hơn vào năm 2023”, ông Guterres nói và gọi nạn đói diện rộng là không thể chấp nhận được trong thế kỷ 21.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại cuộc họp ở  Vienna, Áo ngày 11/5. Ảnh: Reuters.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại cuộc họp ở Vienna, Áo ngày 11/5. Ảnh: Reuters.

Ông Guterres nhận định không có giải pháp hữu hiệu nào cho cuộc khủng hoảng trừ khi Nga và Ukraine, hai quốc gia cung cấp khoảng 29% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, tìm ra cách hợp lý để nối lại hoạt động thương mại.

Tổng thư ký LHQ đưa ra cảnh báo trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bị đình trệ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, khiến 25 triệu tấn hàng mắc kẹt. Các cảng ở Biển Đen của Ukraine, trong đó có Odessa, bị phong tỏa khi hai bên cáo buộc nhau rải thủy lôi chặn đường.

Trong khi đó, Nga đổ lỗi cho “lập trường phá hoại của phương Tây” khiến giá ngũ cốc tăng vọt. Phía Nga Nga nhận định “các hạn chế bất hợp pháp của phương Tây nhằm vào Nga” từ khi nước này phát động chiến dịch tại Ukraine làm gián đoạn tài chính và chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với xuất khẩu ngũ cốc.

Thổ Nhĩ Kỳ gần đây nỗ lực làm trung gian đàm phán với Nga và Ukraine về phương án dỡ phong tỏa Biển Đen hoặc triển khai đội tàu hộ tống tàu chở ngũ cốc qua khu vực này. Tuy nhiên, các bên hiện chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào nhằm giải phóng ngũ cốc cho Ukraine.

Khi các cuộc đàm phán về dỡ phong tỏa Biển Đen rơi vào bế tắc, Ukraine và các nước phương Tây đang nỗ lực tìm các tuyến đường khác để xuất khẩu ngũ cốc của nước này. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá việc tìm một con đường xuất khẩu mới bền vững và ổn định cho Ukraine không phải nhiệm vụ dễ dàng.

Nguyễn Tiến (Theo Reuters)