Từ kêu gọi mọi người chia sẻ thức ăn cho người nghèo, Huzaifa Ahmad, sống tại thành phố Lahore, phát triển thành ngân hàng thực phẩm trên toàn quốc.

Trong 35 năm, mẹ của Huzaifa Ahmad, sinh viên năm hai Đại học Khoa học Quản lý Lahore (LUMS), thường chia sẻ đồ ăn vào mỗi buổi chiều cho người nghèo trong khu vực. Qua hành động của mẹ, Huzaifa bắt đầu quan tâm đến vấn đề thực phẩm, nhận thấy nhiều hàng quán vứt bỏ thức ăn trong khi nhiều người không có gì bỏ bụng.

Cùng với Qasim Javid Khan, Huzaifa lập trang Facebook kêu gọi cộng đồng quyên góp thức ăn thừa. Với thông điệp “Nếu ai có thức ăn thừa, hãy gọi cho chúng tôi”, hai người bắt đầu gom thức ăn từ sinh viên trường. Sau đó, họ phân loại thức ăn và phân phát cho những người nghèo, người vô gia cư trong khu vực.

Sau một thời gian, cả hai dự định mở rộng hoạt động tình nguyện nhưng chưa biết bắt đầu từ đầu. Cùng thời điểm này, LUMS tổ chức vườn ươm doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Pakistan, đặt tên là Phòng thí nghiệm đổi mới xã hội. Đây là nơi cung cấp nền tảng thử nghiệm cho sinh viên có tham vọng khởi nghiệp gồm thiết kế mô hình, thương hiệu kinh doanh và tìm đối tác vận hành. Huzaifa và Qasim đã hợp tác với sinh viên Musa Aamir tạo ra ứng dụng điện thoại để quyên góp và nhận thức ăn, đặt tên là Rizq.

Ảnh: Từ trái sang Musa Aamir, Qasim Javid và Huzaifa Ahmad đồng sáng lập Rizq. Ảnh: Arab News.
Ảnh: Từ trái sang Musa Aamir, Qasim Javid và Huzaifa Ahmad đồng sáng lập Rizq. Ảnh: Arab News.

Qasim cho biết ban đầu, nhóm chỉ có sứ mệnh làm điều tốt đẹp cho cộng đồng. Việc xây dựng nền tảng yêu cầu nhóm suy nghĩ cách giải quyết vấn đề đói kém, mất an ninh lương thực và lãng phí lương thực. Đó là khi ba sinh viên bắt đầu nghĩ về tính bền vững, mô hình kinh doanh và tiếp thị cho dự án của mình.

Bước đột phá xuất hiện khi nhà hàng lớn tại Lahore do cựu sinh viên trường thành lập, cho phép nhóm sinh viên lấy thực phẩm thừa để phân phối hàng ngày. Nhóm mua xe kéo chở thực phẩm, đăng bài quảng cáo trên phương tiện truyền thông và nhận đơn hàng từ các nguồn hỗ trợ.

Chiếc xe với khẩu hiệu “Đừng lãng phí thức ăn mà hãy chia sẻ” bắt đầu len lỏi quanh những con phố đông đúc ở Lahore để gom thức ăn và giao cho người nghèo tại các khu vực trong thành phố.

Qasim cho biết nhóm đã nghiên cứu các mô hình về ngân hàng thực phẩm trên thế giới và nhận ra Pakistan chưa có hoạt động này. Vì vậy, từ dự án thiện nguyện ban đầu, nhóm quyết tâm phát triển thành mạng lưới ngân hàng thực phẩm.

Khi tìm hiểu sâu hơn về tình trạng đói nghèo, nhóm đã tổ chức các dự án mới như chương trình bữa trưa học đường cho các trường khó khăn, chương trình phân phối thức ăn 2 lần/tháng với mức giá bằng một nửa thông thường.

Dự án Rizq Daig cũng đang cung cấp thức ăn cho 500 người mỗi ngày. Những người được giúp đỡ đến từ một trong những gia đình nghèo nhất thế giới với thu nhập 75-112 USD/tháng (khoảng 1,7-2,5 triệu đồng). Khi được phân phát thức ăn, họ có thể tiết kiệm 10 USD/tháng.

Rizq được các nhà hàng, tổ chức phi chính phủ trả tiền để duy trì hoạt động. Mô hình đã thành lập 11 ngân hàng thực phẩm ở Lahore và 4 cái ở Islamabad.

Khi Covid-19 bùng phát tại Pakistan, các cá nhân, tập đoàn và chính phủ đã đề nghị Rizq hỗ trợ người dân toàn quốc thông qua ngân hàng thực phẩm. Đến nay, Rizq đã mở rộng tại 23 thành phố ở Pakistan. Mạng lưới được thành lập từ ba sinh viên đại học đã huy động được nguồn nhân lực dồi dào là 10.000 tình nguyện viên, trong đó phần lớn là thanh thiếu niên.

Dung Ly (Theo University World News)